Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Doanh nghiệp không dễ tiếp cận

Trong nước - Ngày đăng : 03:43, 25/08/2022

Sau ba tháng Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP (ngày 20/5/2022) về hỗ trợ lãi suất 2% các khoản vay VND từ ngân sách nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Econimica Việt Nam đánh giá, gói hỗ trợ lãi suất vay vốn này không dễ tiếp cận đối với nhiều doanh nghiệp.
-2584-1661400953.jpg

TS. Lê Duy Bình

* Nhiều doanh nghiệp cho biết, đến nay vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Theo tôi, thứ nhất là do điều kiện vay ngặt nghèo, yêu cầu doanh nghiệp phải không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản thế chấp, có phương án kinh doanh hiệu quả nên nhiều doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được. 

Thứ hai, động lực để giải ngân gói vay này với các ngân hàng thương mại không lớn vì họ phải làm rất nhiều việc như thẩm định và thực hiện các quy trình để được cấp bù lãi suất. Các ngân hàng thương mại cũng mới đăng ký tham gia chương trình này nên chưa thể giải ngân nhanh, trong khi tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã đến giới hạn.

* Theo ông, có nên nới lỏng điều kiện vay gói hỗ trợ này để nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ?

- Về nguyên tắc, không nên hạ chuẩn tín dụng, vì hệ thống ngân hàng phải đảm bảo an toàn tín dụng, tránh nợ xấu. 

Doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả, không đảm bảo khả năng trả nợ mà ngân hàng vẫn cho vay thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn tín dụng. Không phải cứ cho vay vốn càng nhiều là càng tốt, mà phải đưa được vốn đến đúng những doanh nghiệp sử dụng vốn tốt để tạo cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Đó cũng là cách để giữ ổn định nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế cũng sẽ an toàn, hiệu quả.

Chất lượng gói vay nếu không tốt sẽ dẫn đến tình trạng tiền giá rẻ ra thị trường nhiều, tạo áp lực đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát. 

Gói hỗ trợ lãi suất 2% bản chất vẫn là trợ giá thì chỉ nên dành cho một số doanh nghiệp thích hợp chứ không phải tất cả. Nếu không chặt khi cho vay sẽ tạo ra cơ chế xin - cho, nhiều doanh nghiệp có thể tìm cách tiếp cận nguồn vốn này rồi dùng để hoàn trả nợ cũ, hoặc cho vay lấy lãi, đưa vốn vào các kênh đầu tư khác có thể tạo ra những hệ lụy đến ngành ngân hàng, gây áp lực đến việc cung tiền cũng như các nguyên tắc hoạt động thị trường.

* Như vậy, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% này cũng không dễ?

- Đúng vậy. Chương trình này xét về chủ trương thì rất tốt cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhưng khi thiết kế ngay từ đầu đã bộc lộ sự không phù hợp với nguyên lý vận hành của các ngân hàng thương mại, nên khó khả thi. 

Bởi lẽ, triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng thương mại cho vay theo hình thức được cấp bù lãi suất chứ không phải bảo lãnh nên họ phải chịu rủi ro tín dụng, bởi thế phía ngân hàng phải lựa chọn được khách hàng tốt mới cho vay. Mà khách hàng tốt thì không phải doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn cũng có thể đáp ứng được đủ điều kiện để vay, nhất là những doanh nghiệp thời gian vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19 đã không thể duy trì hoạt động, không có phương án kinh doanh tốt và tài sản để thế chấp.

* Cảm ơn ông! 

Nguyễn Hòa thực hiện