Luận về nghệ thuật lãnh đạo từ "Đạo đức kinh"
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 01:00, 26/08/2022
Luận về Đạo đức kinh là một việc không dễ, do các thuật ngữ trừu tượng và hành văn cổ ngữ. Nếu xem những lời bàn đã có về tác phẩm kinh điển này là “một khu vườn trù phú”, tôi xin góp một “nhành hoa đơn sắc” từ góc nhìn của một người làm kinh doanh.
Câu hỏi về nội dung chính của Đạo đức kinh sẽ được trả lời tùy sự lĩnh hội của mỗi người. Với tôi, Lão Tử đã để lại những quan điểm về nhân sinh quan và thế giới quan rất tiến bộ thông qua quy luật mà ông gọi là đạo - cơ sở cho mọi sự vận hành đúng với bản nguyên của vũ trụ. Nói không ngoa, Lão Tử là triết gia “đi trước thời đại” với tư tưởng bình đẳng, tự do, tôn trọng hòa bình, ngợi ca lối sống khoan dung (dĩ đức báo oán) và thuận theo tự nhiên (người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên). Trong nhịp độ của đời sống hiện đại, thiết nghĩ những lời trong Đạo đức kinh càng tỏ rõ giá trị dẫu đã qua mấy nghìn năm. Và quan trọng hơn cả là đối trị được với nỗi lo trầm kha của thời đại: vong bản và tha hóa.
Những tinh hoa về nghệ thuật lãnh đạo đúc rút được từ Đạo đức kinh không đơn thuần từ việc đọc - hiểu, mà còn là quá trình thực hành và không ngừng mở rộng tư duy để thấm nhuần những lời minh triết ấy của cổ nhân. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin bàn về thuật quản trị lấy nhu thắng cương.
Ở chương 78 (bản dịch và bình chú của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần) có đoạn: “Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công kiên cường giả, mạc chi năng thắng... nhu thắng cương, nhược thắng cường” (Dưới trời, mềm yếu không chi hơn nước, mà đánh đổ cứng mạnh, không chi hơn đó được... mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh). Nước là hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong Đạo đức kinh, nó tồn tại như một biểu tượng tinh túy của đạo. Các võ sĩ Trung Hoa thường lấy đoạn văn này để giảng giải về tính chất ưu việt của “nhu pháp” Thái cực quyền so với “cương pháp” Thái cực đạo của Triều Tiên và Karate của Nhật Bản.
Người lãnh đạo nên xem mình là một dòng nước, gặp chỗ trống, thiếu thì chảy vào, gặp chỗ đầy, dư thì chảy ra, lánh cao mà tìm thấp, ngày đêm chảy mãi không ngừng để lấp đầy những chỗ trống trên mặt đất.
Dưới ánh xạ của đạo lý ấy, tôi áp dụng cho chiến lược nhân sự tại doanh nghiệp của mình là ưu tiên tuyển dụng nữ, trao quyền và đánh giá công bằng đối với họ. Điều này đồng nhất với đạo ở sự nhu thuận, uyển chuyển và sức mạnh bất kháng (như nước) có trong nữ giới. Sức mạnh của họ chính ở sự mềm mại, trí huệ của họ chính ở sự thanh nhã và điềm đạm.
Tựa như nước bị cản thì dừng, mở đường thì chảy, ống thẳng bầu tròn nhưng không mất đi bản chất. Con đường làm kinh doanh chính là sự song hành giữa “thuật” và “đạo”. Trước những cú ngoặt của thị trường đầy biến động, phải mềm dẻo linh hoạt mà thay đổi thuật (có những lúc lợi nhuận hay doanh thu được xếp sau việc duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp), nhưng vẫn phải giữ được đạo - đóng góp giá trị cho ngành và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Hay ở chương 8 có đoạn: “Thượng thiện nhược thủy: Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh” (Bậc “thượng thiện” giống như nước: nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh). Người lãnh đạo nên xem mình là một dòng nước, gặp chỗ trống, thiếu thì chảy vào, gặp chỗ đầy, dư thì chảy ra, lánh cao mà tìm thấp, ngày đêm chảy mãi không ngừng để lấp đầy những chỗ trống trên mặt đất. Ở những doanh nghiệp do tôi sáng lập, chúng tôi xây dựng quy trình và hệ thống khuyến khích mọi người giao tiếp cởi mở và học hỏi lẫn nhau. Từ vị trí của mình, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình có: kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế bằng sự cởi mở và chân thành nhất.
Tư tưởng này gần với lời của Trang Tử trong Nam hoa kinh: “Cái hữu dụng của sự vô dụng”. Nhào đất để làm bát, chính nhờ khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Sở dĩ nhà có thể dùng làm chỗ ở là vì có được khoảng trống từ cửa lớn và cửa sổ. Vậy khi dùng cái “có”, ta cần nhận ra sự hữu dụng của cái “không”. Chính điều này giúp tôi luôn giữ được sự khiêm nhường và tinh thần sẵn sàng cho đi với các cộng sự của mình.
Những lời thâm sâu của Lão Tử còn giúp tôi có được cái nhìn rõ ràng hơn về vai trò của người lãnh đạo. Đạo đức kinh có mấy lời thế này: “...hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” (điều hòa ánh sáng, đồng cùng bụi bặm). Có nghĩa là mang cái sáng của mình hòa vào cái sáng của mọi người, đồng thời đem cái “bụi bặm” của người hòa với cái “bụi bặm” của mình, ắt không tách biệt mình với đời. Tôi luôn tâm niệm bản thân chỉ là một người phục vụ và luôn “xắn tay áo” vào các công việc đội nhóm, vui cùng niềm vui của đồng sự, cùng họ “lấm bùn” mà vượt qua khó khăn. Suy cho cùng, vai trò của một người lãnh đạo cốt yếu là giúp đội ngũ thành công rồi lùi về phía sau, nhường lại hào quang.