Người bị bệnh tiểu đường có nên ăn bánh trung thu

Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 26/08/2022

Người bị bệnh tiểu đường phải cẩn trọng khi ăn bánh trung thu, tuy nhiên không có nghĩa là không được ăn.

Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một chiếc bánh trung thu 170g chứa khoảng 500-700 calo, tùy theo nguyên liệu làm bánh. Chẳng hạn, một chiếc bánh trung thu nhân đậu xanh khoảng 176g chứa 19,5g chất đạm (protein), 27,5g chất béo (lipid), 80,6g đường (glucid). Lượng bột đường có trong một chiếc bánh trung thu tương đương với lượng bột đường có trong 1-2 chén cơm và cao gấp 1-2 lần lượng chất béo có trong một tô phở bò. 

PGS-TS-BS. Lâm Vĩnh Niên - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ăn bánh trung thu nếu không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến tăng cân, rối loạn đường huyết, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đối với người bệnh tiểu đường cần lưu ý đến khả năng tăng đường huyết sau ăn, do thành phần carbohydrate có trong bánh dễ hấp thu và đi nhanh vào máu. 

Người bị bệnh tiểu đường phải cẩn trọng khi ăn bánh trung thu, tuy nhiên không có nghĩa là không được ăn, mà có thể ăn với tinh thần thưởng thức, ăn hạn chế. Mỗi lần ăn chỉ một phần nhỏ (1/8-1/4 cái bánh) hoặc sử dụng bánh cho người ăn kiêng. 

Tinh bột trong một nửa chiếc bánh trung thu tương đương với một bát cơm, vì thế nếu đã ăn bánh thì nên cắt bớt lượng cơm tương ứng để giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể. 

Sau khi ăn một ít bánh trung thu, nên ăn thêm rau xanh để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột ngột, mất kiểm soát. Vì chất xơ có trong rau xanh sẽ giúp ngăn chặn quá trình tăng lượng đường huyết sau khi ăn bánh. Khi ăn bánh trung thu có thể dùng kèm thêm trà giúp tiêu hóa tốt hơn, đồng thời hạn chế lượng chất béo tích tụ trong cơ thể.

banh-trung-thu.jpg

Tinh bột trong một nửa chiếc bánh trung thu tương đương với một bát cơm.

Một chiếc bánh trung thu được lựa chọn kĩ càng sẽ góp phần làm nên một mùa Trung thu trọn vẹn. Vì vậy, cần lưu ý khi chọn mua bánh trung thu phải đảm bảo an toàn vệ sinh.

Theo TS-BS. Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nên chọn loại bánh có thương hiệu, có địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng. Khi mua bánh, người tiêu dùng nên để ý đến bao bì có được kín, hút chân không hoặc hút ẩm hay không và nên mua bánh càng gần ngày xuất xưởng càng tốt.

Bánh trung thu bảo quản tốt nhất ở nơi mát và tối, nhưng khi ăn nên xem có vết đen, xanh, mốc hay không, nếu có phải bỏ ngay. Bánh đã bóc nên ăn hết trong ngày. Trường hợp không ăn hết cần bảo quản trong hộp hoặc bao đựng thức ăn.

Hiện nay, bánh trung thu làm bằng tay (handmade) cũng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, đối với loại bánh này nên ăn trong vòng vài ngày sau khi sản xuất, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến đường ruột, gây ngộ độc, do trong quá trình làm bánh có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Chỉ cần một công đoạn không đảm bảo vệ sinh có thể ảnh hưởng sức khỏe, cho nên người tiêu dùng hãy cẩn trọng khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu. 

Phạm Dung