Chiếu phim sau 0 giờ, "cú hích" cho kinh tế đêm
Thư giãn - Ngày đăng : 01:05, 26/08/2022
Giải trí về đêm được đánh giá là 1 trong 3 sản phẩm du lịch thu hút du khách nhiều nhất, bên cạnh du lịch văn hóa - lịch sử và ẩm thực. Tuy nhiên hiện nay, các rạp chiếu phim chỉ được hoạt động đến 24 giờ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ hằng ngày”. Quy định này khiến cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giải trí không thể đáp ứng nhu cầu xem phim đêm của khán giả, việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trung tuần tháng 8/2022, 4 hệ thống rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam gồm CGV, BHD Star, Galaxy và Lotte đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động sau 0 giờ.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động về đêm không chỉ là sản phẩm du lịch, giải trí hấp dẫn mà còn trở thành nguồn thu chính cho ngành du lịch - văn hóa quốc gia. Theo báo cáo của Hiệp hội Ngành công nghiệp ban đêm của Anh, ngành này mang lại doanh thu hằng năm khoảng 66 tỷ bảng Anh, trong đó các hoạt động về văn hóa, giải trí chiếm khoảng 30% tổng doanh thu. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng ước tính việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước này. Tại Thái Lan, văn hóa giải trí được đưa vào 12 nhóm chính để phát triển kinh tế đêm từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trong đó có rạp chiếu phim, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nhà.
Tại Việt Nam, qua khảo sát thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 của Sở Du lịch TP. HCM, sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch được du khách quan tâm nhất.Hiện tại, Sở Du lịch TP.HCM đang nghiên cứu trình UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có sản phẩm du lịch về đêm như các dịch vụ mua sắm, văn hóa, vui chơi, giải trí, phim ảnh...
Lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng nhận định, với 12 triệu lượt khách năm 2019, phát triển kinh tế đêm của tỉnh, nhất là thành phố Hạ Long sẽ là xu thế tất yếu. "Kinh tế đêm là nền tảng quan trọng thúc đẩy ngành du lịch nói riêng và kinh tế địa phương nói chung", ông Nguyễn Thế Huệ - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh chia sẻ.
Các rạp chiếu phim hiện nay đa phần đều nằm trong các trung tâm thương mại, khu đô thị lớn - nơi tập trung số lượng lớn cư dân với nhu cầu giải trí sau giờ làm, giờ học rất cao. Những năm gần đây, xu hướng tìm đến rạp chiếu phim như một địa điểm giải trí của các cả gia đình rất lớn. Theo thống kê của các cụm rạp CGV, Lotte Cinema, sau thời gian "đóng băng" vì dịch do dịch Covid-19, lượng khán giả đến xem vào những dịp lễ như 30/4 tăng 200 - 300% so với ngày thường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều phim hay của Việt Nam và nước ngoài ra rạp để phục vụ khán giả. Ông hy vọng Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, đồng ý cho phép các rạp phim được hoạt động sau 0, tạo động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đêm, góp phần tạo thu nhập và công ăn việc cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.Theo ông, đây cũng là cơ hội để tăng thêm doanh thu cho các cụm rạp cũng như các nhà sản xuất sau hai năm đại dịch, đặc biệt khuyến khích các nhà sản xuất phim Việt Nam, khi doanh thu chủ yếu đến từ sự ủng hộ của khán giả nước nhà.
Được biết, Cục Điện ảnh đã nhận được kiến nghị từ các doanh nghiệp và có văn bản báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.