Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà: Người khởi đầu ngành sơn Việt Nam (Phần 2)

Chân dung - Ngày đăng : 01:00, 27/08/2022

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, một ông chủ tài năng, một nhà sáng chế tài ba trong ngành công nghiệp sơn, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà còn tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà: Người khởi đầu ngành sơn Việt Nam (Phần 2)

Nguyễn Sơn Hà - một nhà tư sản Việt Nam đã tạo nên bước đột phá trong ngành sơn Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều. Độc giả có thể xem lại con đường lập nghiệp và bước ngoặt dẫn đến thành công của ông tại phần 1 của bài viết.

Từ doanh nhân yêu nước đến chiến sĩ cách mạng

Năm 1939, trong một chuyến vào Huế, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ đã có cơ hội gặp nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (khi đó đang bị thực dân Pháp quản thúc ở Huế). Cuộc gặp gỡ ấy đã tác động sâu sắc đến nhiệt huyết, lý tưởng dâng hiến cho dân tộc của Nguyễn Sơn Hà. 

Với danh tiếng và uy tín trong giới tư sản thành phố Hải Phòng, Nguyễn Sơn Hà đã tham gia các hoạt động xã hội có lợi cho nước, cho dân. Ông tranh cử hội đồng thành phố để có điều kiện đấu tranh đòi thực dân Pháp cải cách xã hội. Ông tích cực tham gia các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền bá Quốc ngữ với mong muốn mở mang dân trí, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân.

Ông thành lập Trường Dục Anh nuôi dạy trẻ mồ côi, chu cấp lương thực cứu đói người nghèo... Năm 1944, Nguyễn Sơn Hà đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho gạo để cứu đói và đóng góp 4 vạn đồng làm tài chính cho Đảng Cộng sản Đông Dương.

-8612-1661402295.jpg

Nhà ông Hà ở 49 Lạch Tray - Hải Phòng

Trong “Tuần lễ vàng” tháng 8/1945 do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động, gia đình Nguyễn Sơn Hà đóng góp 105 cây vàng, tích cực vận động các nhà tư sản và nhân dân tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch cũng hiến tặng toàn bộ số nữ trang gồm vàng bạc, đá quý cân được 10,5kg. Bản thân ông cũng tặng chiếc nhẫn quý bằng platin gắn kim cương. 

Từ những đóng góp tích cực của ông và gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ảnh của Người, Mặt trận Việt Minh đã tặng giấy khen cho ông.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng. Dù được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế nhưng ông đã khiêm nhường từ chối. Ông cho rằng mình học ít tài sơ, nên không dám nhận chức vụ quá to.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, gia đình Nguyễn Sơn Hà đã đóng góp rất nhiều tiền của để mua và sửa chữa vũ khí trang bị cho đội tự vệ Hải Phòng chiến đấu. Sau sự hy sinh của người con trai cả là Nguyễn Sơn Lâm, Nguyễn Sơn Hà cùng gia đình đã bỏ lại nhà xưởng, đồn điền để đi theo kháng chiến.

Trong những năm ở chiến khu Việt Bắc, dù thiếu nguyên liệu và máy móc, ông vẫn nghiên cứu, làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cách mạng, như giấy than đánh máy, mực in lito, vải che mưa, vải nhựa cách điện. Ông còn chế tạo lương khô, làm xì dầu đặc, thuốc ho... phục vụ bộ đội và nhân dân. 

Sau kháng chiến, Nguyễn Sơn Hà về Hải Phòng sinh sống, hiến hết số tiền còn lại cho Chính phủ (trên 74.950 đồng, quy ra 370 cây vàng lúc đó). Ông trở thành đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V. Những năm cuối đời, Nguyễn Sơn Hà vẫn nghiên cứu để sản xuất sơn máy bay, viết sách và truyền dạy những kinh nghiệm kinh doanh cho lớp trẻ, góp phần xây dựng ngành công nghiệp sơn Việt Nam. Ông qua đời tại Hải Phòng năm 1980, hưởng thọ 86 tuổi.

Ngày 13/10/2006, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã truy tặng Nguyễn Sơn Hà cùng Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, Trịnh Văn Bô danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Đến năm 2010, Nhà nước đã xếp hạng căn nhà 49 Lạch Tray, Hải Phòng gia đình ông sinh sống trong nhiều thời kỳ là di tích văn hóa. Tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM có nhiều con đường được đặt theo tên ông.

Những bài học đối với doanh nhân ngày nay

Được biết đến là “ông tổ ngành sơn dầu Việt Nam”, Nguyễn Sơn Hà đã tạo nên dấu ấn kinh doanh rất riêng. Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đã kiên trì vận dụng ba phương pháp kinh doanh đặc thù: không ngừng học tập và sáng tạo sản phẩm mới chất lượng cao, vận dụng những nguyên liệu sẵn có trong nước để chế tạo sản phẩm, luôn yêu nước thương nòi.

Khi còn là thư ký phụ trách đánh máy cho hãng sơn Savage Cottu của Pháp, Nguyễn Sơn Hà đã lặng lẽ tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, chế tạo sơn dầu từ chính chủ xưởng và công nhân làm việc ở đó.

Vừa học kỹ thuật trong sách vở, vừa học hỏi kinh nghiệm từ thực tế đã giúp Nguyễn Sơn Hà tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ kỹ thuật kinh doanh đến cách tổ chức và tiêu thụ sản phẩm.

Dù những mẻ sơn đầu tiên thất bại, nhưng ông quyết không từ bỏ mà kiên trì rút kinh nghiệm. Ông lấy sự thất bại và sự coi thường của người Pháp với sản phẩm của ông làm động lực thúc đẩy bản thân không ngừng tạo nên những loại sơn ngày càng hoàn thiện. Sau khi có được tiếng tăm nhất định, Nguyễn Sơn Hà không hề chủ quan mà luôn nghĩ đến chất lượng sản phẩm và uy tín đối với khách hàng.

Có lần, một khách hàng từ Sài Gòn phàn nàn sơn Resistanco lâu khô, ông đã đến tận nơi kiểm tra và phát hiện là do công nhân nấu dầu non nhưng sợ không kịp thời hạn giao hàng nên pha sơn gửi đi. Lập tức, ông cho đóng mẻ sơn ấy đưa về nhà máy tại Hải Phòng và thông báo với khách hàng đổi loại sơn khác.

Ông đã mua đồn điền trồng trẩu lấy dầu, ký hợp đồng mua dầu thông dài hạn, xin khai thác mỏ đá màu, mỏ sét xanh, sét trắng, vàng đỏ để phục vụ sản xuất. Ông đăng tuyển những thợ giỏi và nghiên cứu dùng các loại đá màu của Thanh Hóa để chế tạo thành một loại sơn tường rất bền, được khách hàng thời đó ưa chuộng. Theo ông, sự chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước còn mang lại công ăn việc làm cho người dân. 

Trong những yếu tố tạo nên thành công khi phát triển sản xuất, kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà đặc biệt đề cao tinh thần yêu nước thương nòi. Để gắn bó với người tâm phúc theo mình, ông mua hàng trăm hécta ruộng ở Kinh Môn cấp cho gia đình họ cày cấy. Có những thợ giỏi làm công trong hãng sơn Pháp đã bỏ sang làm việc cho hãng sơn của Nguyễn Sơn Hà.

Ông phát động phong trào học chữ Quốc ngữ và mở các lớp dạy chữ cho nhân dân, mua giấy bút cho học viên và hỗ trợ đời sống cho giáo viên. Chính từ trường Dục Anh, nhiều trẻ mồ côi đã trưởng thành rồi tham gia cách mạng, trở thành những cán bộ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước sau này.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã ngợi ca Nguyễn Sơn Hà qua câu đối: “Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất/ Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ” (Lấy hóa học người Âu điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son sẵn có/ Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thời thế từ tay trắng làm nên”). 

Thanh An