Ngày này, năm trước...

Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 28/08/2022

Bây giờ, thi thoảng tôi nghe nhà ai đó có người bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng cả người bị nhiễm lẫn người thân của họ đều bình thản. Giờ bị Covid-19 cũng giống như cảm cúm, mệt mỏi mấy ngày là xong, nhưng bị Covid-19 như hồi tháng 7, tháng 8/2021 thì lại khác.

Một năm sau đợt dịch lần thứ tư tràn tới Sài Gòn, một học trò đến biếu bánh trung thu cho tôi bần thần nói: “Bà ngoại con thích ăn bánh trung thu thập cẩm, nhưng nay bà không còn nữa. Nhà con mới làm đám giỗ cho bà ngoại xong. Đầu tháng 7 âm lịch năm ngoái, lúc bà bị Covid-19, toàn bộ nhà cậu con bị cách ly, y tế phường đưa bà vào bệnh viện quận, được một tuần bà mất, không có ai ở bên cạnh”.

-2213-1661414824.jpg

Đến ngày 25/9/2021, hàng rào bao quanh các cầu và con hẻm vẫn chưa được dỡ bỏ

Một bạn cùng lớp trung học của tôi ở huyện Hóc Môn cũng có nỗi đau mất cha. Đám giỗ đầu của cha bạn mới làm hôm 17/7 âm lịch. Giỗ giáp năm vừa xong, bạn càng trăn trở với ký ức tồi tệ năm ngoái. Lúc đó, cha mẹ và bạn cùng bị Covid-19, bạn vừa chữa bệnh cho mình vừa lo cho mẹ, nên đành để cha nhập viện vì mức oxy của ông hạ dưới 100 mà kêu cứu khắp nơi đều không có bình oxy. 

Tối ngày 24/8, khi ông từ trần trong bệnh viện, bạn phải nhờ học trò làm y tá ở đó vuốt mắt cho ông. Khoảng hai tuần sau, quân đội cử người mang hũ cốt về nhà cùng với ít nhang đèn và trái cây. Một năm sau, nhớ về cha, bạn vẫn tự trách mình.

Bên cạnh nỗi đau của không ít gia đình, nhiều người lại mừng vì thoát chết. Vợ chồng anh chị tôi bị Covid-19 giữa tháng 8/2021, các con ở xa đã liên lạc với bệnh viện tư nhân An Sinh đưa xe cấp cứu đến đón. Vì vướng hàng rào phong tỏa, xe cấp cứu không vào được con hẻm, anh chị phải kéo va ly đi bộ qua vài chốt kiểm dịch trong lúc cả hai đều bị sốt. Đến nơi, họ tách riêng anh một phòng, chị một phòng, vì anh buộc phải thở máy. Sau ba tuần, chị được về nhà còn anh phải nằm hơn một tháng.

Khi Sài Gòn hết phong tỏa, tôi đến thăm anh chị tại nhà, chúng tôi phải ngồi cách xa nhau hai mét và ai cũng đeo khẩu trang. Di chứng hậu Covid-19 khiến anh chị không chỉ gầy ốm mà còn mệt mỏi, da mặt sạm đen. Anh chị cho rằng, mình sống sót nhờ đã chích một mũi vaccine ngừa virus nCoV vào đầu tháng 8.  

Gần một năm sau, khi ngồi ăn cùng nhau, nhắc lại những ngày kinh hoàng đó, chị bảo tôi: “Trên bụng anh chị vẫn còn những vết sẹo vì chích thuốc chống đông máu. Hồi đầu, họ chích ở tay nhưng sẹo để lại ghê quá nên chích ở bụng. Một năm sau sẹo vẫn còn”. 

“Còn sẹo trên người vẫn hơn một nắm tro trong hũ cốt”, anh bảo vậy và mỉm cười hạnh phúc. Giờ thì da anh chị đã hồng hào trở lại, cả hai có thể tham gia các hoạt động công đoàn ở nhà thờ và đang chuẩn bị chuyến du lịch sang Mỹ. 

-1168-1661414824.jpg

Dân thuê xe đạp chạy vòng quanh trung tâm Sài Gòn hôm 20/12/2021

Có những hạnh phúc rất giản dị mà khi đại dịch càn quét qua, chúng ta mới nhận ra. 

Đó là khi các hàng quán được phép bán mang đi, có thể gọi mua món ăn ưa thích giao tận nhà. Sau gần ba tháng dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, mỗi ngày vào bếp, tôi đau đầu nghĩ thực đơn trong điều kiện thiếu rau, thiếu trái cây và các loại gia vị. 

Đó là khi tôi có thể thuê xe ra ngoại thành để thăm cha, sau gần ba tháng chỉ có thể chuyện trò cùng ông qua điện thoại và video call. 

Đó là khi tôi có thể đạp xe thong thả qua các con phố quen thuộc của Sài Gòn mà không bị chặn bởi hàng rào và quân lệnh “ai ở đâu thì ở yên đó”. 

Đó là khi tôi hẹn đến nhà thăm thầy hay bằng hữu, có thể mặt đối mặt chuyện trò không dứt...

Với cha tôi, hạnh phúc là khi ông có thể ra ngoài cắt mái tóc lởm chởm sau gần ba tháng và thấy các con, các cháu tề tựu đầy đủ trong bữa cơm gia đình hồi đầu tháng 10/2021.

Không chỉ ngộ ra về hạnh phúc, đại dịch còn dạy cho người ta bài học quý trọng sức khỏe. Sau đại dịch, việc giữ gìn sức khỏe không chỉ quan trọng với tuổi già, mà còn quan trọng với tuổi trẻ. Nhiều người trẻ ngộ ra họ cũng có thể chết đột ngột vì Covid-19. Chung quanh khu phố tôi ở, nhiều người trẻ đã mua xe đạp đi học, đi làm và hẹn hò; nhiều ông bố trẻ còn mua xe đạp cho cả gia đình để cùng nhau tập thể dục. 

Mỗi cuối tuần ra khu trung tâm thành phố, tôi thấy rất nhiều bạn trẻ đạp xe với nón bảo hộ, quần áo và giày thể thao. Việc chính quyền TP.HCM mở những điểm cho thuê xe đạp hồi cuối năm 2021 thật đúng lúc. Nhìn các bạn trẻ rủ nhau thuê xe đạp đi chơi, mới thấy sức sống của Sài Gòn như một mạch nước ngầm chưa bao giờ ngừng tuôn chảy.  

Thanh Thủy