Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hợp tác kinh tế với Hàn Quốc
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 00:04, 28/08/2022
Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc trong cuộc tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc năm 2022” được tổ chức tại TP.HCM hôm 27/8.
Theo TS. Lộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa là "xương sống" trong phát triển kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. “Như vậy, trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Hàn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải trở thành "xương sống" chứ không chỉ là các tập đoàn hàng đầu”, ông Lộc khẳng định và cho rằng đây chính là vấn đề mà Việt Nam cần khắc phục.
Ông Lộc cũng chỉ ra rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu kém. “Cho đến thời điểm này chúng ta chưa có luật về công nghiệp hỗ trợ mà mới chỉ có Nghị định về công nghiệp hỗ trợ”, ông Lộc nói và thẳng thắn phân tích do phần lớn nguyên liệu vật tư phải nhập từ bên ngoài vào, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công lắp ráp chứ không phải ngành công nghiệp chế tạo theo đúng nghĩa của nó. “Chính vì thế tôi nghĩ chúng ta cần tăng cường trong quan hệ hợp tác Việt - Hàn để có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm”, ông Lộc khẳng định.
Tọa đàm "Thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc năm 2022” đã thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tham dự. |
Để việc hợp tác Việt - Hàn có hiệu quả, ông Lộc cho rằng những vấn đề về pháp lý, thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc có thể về Việt Nam và ngược lại cần được Nhà nước quan tâm, chú trọng.
Ông Phạm Hải Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và đa phương như FTA ASEAN – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… "Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã và đang trở thành một trong những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và quan trọng nhất tại khu vực châu Á nói chung và Đông Á nói riêng", ông Tùng đánh giá.
Về phía Hàn Quốc, ông Kwon Jae Heang - Chủ tịch Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC) kiêm Trưởng đại diện Tổ chức Đa văn hóa Hàn Quốc nhấn mạnh, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Thông qua Đại sứ quán, Hàn Quốc cũng đã tìm hiểu những chính sách ở cả hai nước, sau đó đưa những đề án tới cơ quan liên quan để xem xét có chính sách nào thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vào Hàn Quốc.
Ông Kwon Jae Heang cũng cho biết, tại Hàn Quốc, chi phí nhân công rất đắt. "Đó cũng là một trong những nguyên nhân chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư”, ông Kwon Jae Heang thừa nhận và cho hay các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam và hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ở lĩnh vực đào tạo nhân lực và chuyển giao kỹ thuật.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, doanh nghiệp nhỏ và vừa là "xương sống" |
Đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chính phủ, ông Keang-Kido khẳng định có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cả trực tiếp lẫn trực tuyến. "Hiện chúng tôi đang hỗ trợ cho các start-up không có năng lực về vốn và đã hình thành đặc khu cho các doanh nghiệp này", ông Keang-Kido nói và cho biết thêm các doanh nghiệp yếu về vốn ở Việt Nam có thể kết nối cùng Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc để nhận được cơ hội đầu tư.
Phía Hàn Quốc hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, may mặc. Cụ thể, Hiệp hội Xuất nhập khẩu Hàn Quốc có thể cung cấp kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ hai lĩnh vực này cho các doanh nghiệp Việt.
Hàn Quốc đang là một trong các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc). Kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia đạt 78,1 tỷ USD năm 2021 và dự kiến có thể tăng lên tới 100 tỷ USD vào năm 2023.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại của hai nước chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Tọa đàm tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022), mốc son quan trọng và ý nghĩa trong mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Chương trình do Tạp chí Doanh Nghiệp và Hội Nhập phối hợp cùng Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn - Việt (KVECC) và các đơn vị liên quan tổ chức. |