Chuyển đổi nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch tích hợp

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 29/08/2022

Không những tụt hậu so với các khu vực khác, nguồn lực của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng rất hạn chế. Muốn phát triển bền vững, ĐBSCL phải phá vỡ các "vòng xoáy" đi xuống về kinh tế, xã hội và môi trường.

ĐBSCL có diện tích trên 40.000km2, dân số trên 17,2 triệu người, là một khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ĐBSCL có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, nuôi thủy hải sản, cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm qua, ĐBSCL đang tụt hậu khá xa so với các khu vực khác trong cả nước.

Theo báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 (AMDER 2022), điểm sáng của ĐBSCL là nông nghiệp. Trong năm 2021, nông nghiệp ĐBSCL tăng 3,4%, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, chỉ riêng ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng âm.

Điều đáng lưu ý là trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ở ĐBSCL khá cao, lên đến 9,03%/năm, gấp hơn hai lần so với khu vực công nghiệp là 4,79% và dịch vụ là 3,82%. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba "vòng xoáy": ngân sách (tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng); thiếu việc làm dẫn đến việc lao động trẻ di cư đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; cuối cùng, "vòng xoáy" cơ cấu kinh tế là căn nguyên của hai "vòng xoáy" trên. 

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh - giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, với sứ mệnh "an ninh lương thực", ĐBSCL phải ưu tiên thâm canh, tăng vụ lúa. Mặc dù chính sách này đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng lại không giúp ĐBSCL trở nên thịnh vượng. Không những thế, chính sách này còn kìm giữ ĐBSCL phát triển nông nghiệp có năng suất và giá trị gia tăng cao.

-9408-1661505019.jpg

Hiện ĐBSCL đối diện với 11 thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Về kinh tế, nền nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, nguồn lực đất đai chưa được phân bổ hiệu quả, vốn đầu tư hạn chế. Hiện tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp GDP, thu và chi ngân sách nhà nước trên đầu người thấp hơn mức bình quân cả nước. Những thách thức này làm tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL chỉ đạt 5,31%/năm trong giai đoạn 2016-2020, thấp nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm. Hệ quả là ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, nhưng tiếp tục tụt hậu về kinh tế. 

Về xã hội, thách thức đầu tiên là thiếu việc làm dẫn đến tình trạng di cư; thu nhập bình quân đầu người thấp; vốn tri thức và kỹ năng của lao động chưa cao, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 14,9% và lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước. Năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động khu vực này là 3,4%, cao thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên. 

Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ĐBSCL cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%). Sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị, khu công nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ ngày càng tăng.

Về môi trường, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, đất bạt màu, hơn một nửa diện tích bị nhiễm mặn đã làm giảm chất lượng đất canh tác, khoảng 30% số nông hộ có đất trồng trọt bị thoái hóa. Những tác động này ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn càng trở nên bấp bênh.

Để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp ĐBSCL cần phải chuyển đổi theo 4 mục tiêu: tăng thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân; hiện đại hóa nền nông nghiệp; phát triển kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình "thuận thiên".

Cũng theo TS. Vũ Thành Tự Anh, phải tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp cho từng tiểu vùng, đồng thời đáp ứng tiêu chí "thuận tự nhiên" qua việc giảm tối đa sự can thiệp của con người. Quy hoạch tích hợp nếu được thực hiện tốt sẽ đem lại nhiều thay đổi quan trọng cho nền nông nghiệp cũng như sự phát triển của vùng ĐBSCL. 

Thứ nhất là định hình không gian sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với từng vùng và tiểu vùng. Thứ hai là phân bổ tài nguyên phù hợp với phương án tổ chức không gian vùng, quy hoạch tích hợp sẽ không có biến động quá lớn về phân bổ đất trong giai đoạn 2020-2030. Thứ ba là vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế tương lai của ĐBSCL. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và manh mún sẽ được giảm thiểu và thay bằng các hoạt động chuyên môn hóa theo định hướng thị trường hóa, công nghiệp hóa, một bộ phận lớn nông dân sẽ trở thành công nhân có việc làm ổn định với các lưới an sinh xã hội tốt hơn.

Hồng Nga