Chuyển đổi số: Hãy bắt đầu từ chỗ doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền nhất
Xu hướng - Ngày đăng : 08:00, 29/08/2022
Tại toạ đàm "Những vướng mắc và giải pháp thực hiện chuyển đổi số cho SME" thuộc chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA vừa qua, rất nhiều khó khăn và vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số đã được các SME đề cập.
SME không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu
Ông Phí Anh Tuấn – Giám đốc công ty TNHH Tư vấn công nghệ thông tin PAT cho biết, các SME đang ở trạng thái dư thừa thông tin, nghe quá nhiều về chuyển đổi số nhưng thực sự khi thực hiện lại không biết bắt đầu từ đâu. Đồng thời, họ còn thiếu kinh nghiệm, thiếu lượng thông tin phân lớp theo ngành nghề để áp dụng.
Do đó, ông Tuấn tư vấn: Chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất chuyển đổi số cho ngành mình là gì, từ đó đặt ra nhu cầu đúng, lên kế hoạch đúng, chọn nhà tư vấn đúng, và cuối cùng triển khai, vận hành hiệu quả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hiện chưa biết tính toán chi phí vận hành, nâng cấp trong tương lai, do đó mất thời gian đầu tư ban đầu rồi lại bỏ phí. "Chúng tôi gọi đó là chi phí ẩn, đây là điều doanh nghiệp cần lưu ý khi chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thiếu giải pháp về sản phẩm, tức là đôi khi đầu tư vào hệ thống nhưng sau đó phải dừng lại để chọn giải pháp phù hợp hơn, từ đó tốn thời gian và công sức vì phải lặp lại quá trình", ông Tuấn phân tích.
Ông Trần Văn Viễn – đồng sáng lập kiêm Giám đốc khu vực miền Nam Base.vn nhận xét: "6 năm qua có hơn 7.000 doanh nghiệp chuyển đổi số thì cũng có 7.000 câu chuyện khác nhau/ Trong đó, cái khó tập trung vào vấn đề nhân sự và quản trị, vận hành. Khi chuyển đổi số, doanh nghiệp nào chuyên môn hoá dữ liệu đủ tốt thì sẽ làm nhanh, còn doanh nghiệp nào yếu mặt này thì sẽ làm chậm và lâu.
Ông Nguyễn Viết Toàn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Phú nêu những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp |
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Toàn - Phó chủ tịch Hội Tự động hoá, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Phú phàn nàn: "Mục tiêu và phạm vi của chuyển đổi số rất rộng, chúng tôi chỉ mong xoáy vào khía cạnh các doanh nghiệp sản xuất, vì lâu nay chuyển đổi số chỉ xoay quanh nền tảng thông tin văn phòng, còn các doanh nghiệp sản xuất loay hoay không tìm được lối ra".
Đồng tình với ông Toàn, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ nhận xét đang có khoảng cách rất lớn giữa lãnh đạo doanh nghiệp với bộ phận ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả giữa các doanh nghiệp và nhà tư vấn. Ông cho rằng nhà tư vấn không hiểu hết mong muốn của doanh nghiệp, vì thế cần xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin cộng đồng. Ông Phương hy vọng trong tháng 9 tới sẽ có mạng lưới nhà cung cấp cho ngành gỗ để tích hợp thông tin giúp các doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) chia sẻ khó khăn khi tìm đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp. Theo ông Hiến, có rất nhiều công ty cung cấp giải pháp chuyển đổi số nhưng có khi một giải pháp lại được cung cấp cho nhiều doanh nghiệp khác nhau, khiến các doanh nghiệp thêm phần lúng túng.
Một vấn đề khác là đặt "đề bài" cho đơn vị tư vấn chưa chính xác. Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành nêu ví dụ: "Doanh nghiệp vì không am hiểu về công nghệ nên không biết cách đặt đề bài cho đơn vị viết phần mềm, khiến đơn vị này phải mất 6 tháng làm việc với từng phòng ban. Ngoài ra, các công ty viết phần mềm thường chuyên về một lĩnh vực nên lúng túng khi nhận viết phần mềm cho các công ty đa ngành".
Bà Lâm Thuý Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mebipha, cũng phản ảnh, công ty bà từng gặp khó khăn khi lựa chọn phần mềm. Theo bà, mỗi doanh nghiệp nên có lộ trình chuyển đổi số, từ thuê đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực, dự trù kinh phí...
Thà chậm một nhịp nhưng thành công còn hơn nhanh mà thất bại
Theo ông Phí Anh Tuấn, các công ty muốn thành công trong chuyển đổi số thì phải chuẩn bị thật kỹ, đặc biệt là chọn lựa kỹ công ty tư vấn. Khi chuyển đối số phải theo dõi quy trình quản lý, chuẩn bị ngân sách cho hiện tại và tương lai. "Thà chậm một nhịp nhưng thành công còn hơn nhanh mà thất bại", ông Tuấn nhận định.
Ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ thông tin PAT đưa ra lời khuyên với các SME trong chuyển đổi số |
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM đúc kết: "Nhiều người hỏi tôi bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, tôi cho rằng bắt đầu từ chỗ nào kiếm được nhiều tiền nhất. Ngoài ra, cần quan tâm đến vấn đề thay đổi theo thời gian, cần biến đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, đồng thời phải chấp nhận tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, thường là từ 3 đến 5 năm".
Ngoài ra, ông Long cũng nhấn mạnh, phương pháp chuyển đổi số nên bắt đầu từ ban lãnh đạo là chủ doanh nghiệp hay giám đốc, nếu không thì không thể làm được. Chuyển đổi số cũng phải bắt đầu từ trong nội bộ doanh nghiệp rồi mới đến khách hàng và thị trường. Song song đó, phải chọn lọc nhân sự tham gia đào tạo kỹ năng, kể cả chấp nhận trả học phí nếu xảy ra rủi ro hoặc thất bại.
Về việc chọn đối tác tham gia chuyển đổi số, ông Long khẳng định không phải cứ chọn công ty lớn là tốt, vì đôi khi họ lại không có kinh nghiệm về lĩnh vực của doanh nghiệp, vì thế nên chọn công ty hiểu biết doanh nghiệp, có khả năng đi cùng doanh nghiệp dài hạn, không cứ lớn hay nhỏ.
Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ 30.000 doanh nghiệp chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khó khăn lớn nhất của SME trong chuyển đổi số là nhận thức của người đứng đầu. Nhận thức nghĩa là chủ doanh nghiệp phải thấy được nhu cầu, lợi ích của chuyển đổi số và quyết liệt hành động chứ không nhất thiết phải am hiểu về công nghệ.
"Tuy nhiên nếu biết công nghệ thì tốt mà không biết còn tốt hơn, vì không biết thì chọn người thành thạo về công nghệ để tiến hành chuyển đổi số", ông Dũng nêu giải pháp.
Về câu hỏi khi nào doanh nghiệp cần chuyển đổi số, ông Dũng cho là phải làm ngay từ bây giờ, trước khi có khủng hoảng tốt hơn là đợi gặp khủng hoảng mới chuyển đổi và phải bắt đầu bằng việc sử dụng các ứng dụng nền tảng số như một dịch vụ.
Để giúp các SME chuyển đối số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng thử các nền tảng. Theo kế hoạch, Bộ sẽ lựa chọn các nền tảng số xuất sắc để hỗ trợ các SME, với mục tiêu có 30.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số.
Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM cũng cho biết, Hội Tin học TP.HCM đã lựa chọn 7 trong số 400 doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện cơ bản về chuyển đối số cho SME. Trong thời gian tới, Hội Tin học TP.HCM sẽ cùng HUBA tổ chức các buổi workshop, đồng thời có các chương trình tư vấn theo đề xuất của doanh nghiệp.
"Chúng tôi mong nhận được đơn đặt hàng của các Hội theo các chuyên đề riêng, chúng tôi sẽ đồng hành cùng các SME, dù gian truân và vất vả", ông Tuấn khẳng định.