Cần có chính sách thích hợp để đào tạo nhân lực chất lượng cao

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 30/08/2022

Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, cần có cơ chế, chính sách thích hợp để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức ngày 20/8/2022 vừa qua, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn báo cáo quý II/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù lực lượng lao động tăng nhanh trở lại, tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, thu nhập bình quân của người lao động tăng, song thị trường lao động vẫn đang gặp phải những thách thức rất lớn do thiếu hụt lực lượng có đủ trình độ, kỹ năng đáp ứng được các yêu cầu phát triển trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và tự động hóa. 

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam vẫn chưa có đủ nguồn nhân lực có chất lượng tốt, kỹ năng cao, mới chỉ đứng vị trí thứ 116/141 (năm 2020) quốc gia được xếp hạng về nguồn nhân lực sau đào tạo. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam tụt hạng rất xa về nguồn nhân lực sau đào tạo so với Singapore (vị trí 19/141). Tỷ lệ lao động tốt nghiệp cao học, đại học còn thấp, mới chỉ bằng khoảng 1/3 so với các nước có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ lao động có chứng chỉ đào tạo mới đạt khoảng 26%, thấp hơn nhiều quốc gia châu Á khác. Trong khi đó, số lượng việc làm đơn giản ngày càng giảm, thị trường lao động đòi hỏi người lao động ngày càng phải có kỹ năng cao.

Trình độ nguồn nhân lực còn thấp là một trong những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam thấp xa so với nhiều nước trong khu vực, trong đó kém Trung Quốc 4 lần, kém Malaysia 7 lần, kém Singapore tới 16 lần...

Một trong những nguyên nhân đã được chỉ rõ, đó là lĩnh vực giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng được sự phát triển các ngành nghề mới, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp còn hạn chế...

Để gỡ nút thắt thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhóm giải pháp cấp thiết cần thực hiện đó là đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung, đào tạo nghề nói riêng. Theo đại diện WB, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách thích hợp thúc đẩy tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trước mắt cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong dài hạn, cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, hoàn thiện thể chế để tăng cường thu hút đầu tư vào giáo dục - đào tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động...

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cho rằng Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành chỉ quy định ưu đãi cho doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc. Các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp nên đã làm hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến, đó là các chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động trong doanh nghiệp. Cần có cơ chế, chính sách thích hợp hơn để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tự đào tạo lao động.

Chính phủ cần ban hành tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp (thời gian, nội dung, giáo viên, cơ sở vật chất); ban hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp; ban hành cơ chế công nhận văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp. Tất cả nhằm giúp người lao động học tập, trau dồi kỹ năng để có những vị trí việc làm ổn định, cơ hội việc làm mới tốt hơn; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo kỹ năng cho người lao động một cách toàn diện.

VCCI kiến nghị xem xét ưu đãi thuế cụ thể cho doanh nghiệp khi họ thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ đáp ứng đúng tiêu chuẩn theo quy định, chứng minh được việc đào tạo, đào tạo lại cho người lao động (thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ như hiện nay thì nên giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật).

Lan Ngọc