TP.HCM: 8 tháng, thu ngân sách đã đạt 80,69%
Trong nước - Ngày đăng : 05:52, 31/08/2022
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng các đại biểu tại phiên họp - Ảnh: Việt Dũng |
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 9-2022 (ngày 30/8/2022), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (KH-ĐT), bà Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế TP.HCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại TP.HCM và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch tăng 2.567% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 311.921 tỷ đồng (đạt 80,69% dự toán năm). Tính đến cuối tháng 7, tổng vốn số vốn TPHCM đã giải ngân là hơn 8.467 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 22,3% tổng kế hoạch vốn giao).
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, kinh tế thành phố phục hồi với nhiều số liệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 14,8%, trong đó 4 ngành kinh tế trọng điểm tăng 19,3%. Qua khảo sát 77% doanh nghiệp cho biết đang phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp nếu so với năm 2019 - là thời điểm trước dịch chỉ tăng 1,2%, là tăng thấp. Một số ngành có tỷ trọng lớn vẫn tăng chậm. Lĩnh vực bán lẻ tăng 23,2% cùng kỳ rất cao, nhưng so với năm 2019 chỉ tăng 4,7%. Bất động sản vẫn còn tăng thấp, trong khi đây là ngành có hệ số lan tỏa đến các ngành rất cao.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng nhận định, điểm sáng của TP.HCM là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,71 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Doanh nghiệp mới thành lập cũng tăng 33,4%, nhưng quy mô vốn lại giảm hơn năm trước, chỉ đạt 11,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, trong khi năm 2021 là hơn 16 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Tổng doanh nghiệp giải thể chiếm 50% so với doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này phản ánh doanh nghiệp TP.HCM cũng dễ bị tổn thương trước những khó khăn trong nước và thế giới.
Vị thế thương mại được khẳng định qua kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm tăng trưởng tốt. Nhưng 62% trong số đó lại từ khu vực FDI, nên doanh nghiệp trong nước chưa phát huy được.
Thu ngân sách đạt 80,7% năm, nhưng thu chủ yếu lại từ nhà đất và từ dầu thô, còn thu từ thuế sản phẩm để tính vào tăng trưởng chỉ ở mức 3%. Điều này cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng còn rất thấp. Ông Nguyễn Khắc Hoàng cũng đã đề nghị cần đánh giá thêm để cải thiện chỉ số này, tạo nguồn thu cho năm sau.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Trần Hoàng Ngân nhận xét, kết quả kinh tế - xã hội 8 tháng qua của TPHCM là đáng phấn khởi, mục tiêu năm nay có thể đạt được.
Nhưng để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP.HCM đã đề ra, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị TP.HCM thúc đẩy đầu tư công, trong đó ưu tiên các dự án mang tính an sinh xã hội như chống ngập, các dự án y tế, giáo dục.
Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, TP.HCM đang rất mong muốn được Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết, tăng vốn đầu tư công, chúng ta đang khát vốn, nhưng vốn trong kế hoạch thì lại không giải ngân tốt. “Phải làm cho được để chứng minh được khả năng hấp thụ vốn, sử dụng vốn tốt”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.