TP.HCM: Thủ tục hành chính vẫn "nóng" trong diễn đàn lãnh đạo với doanh nghiệp
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:34, 31/08/2022
Doanh nghiệp mong Thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên mọi lĩnh vực |
Thủ tục quá phiền hà
Chia sẻ tại Hội nghị tiếp xúc và đối thoại DN TP.HCM năm 2022, bà Hồ Thị Thu Uyên - Chi hội trưởng Chi hội DN khu Công nghệ cao TP.HCM (SBA), Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam cho biết, hiện nay DN vẫn đang rất vướng với thủ tục hành chính. Vấn đề thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan khác nhau, dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp đồng thời suy giảm niềm tin của DN.
Theo bà Uyên, một yếu tố quan trọng đã từng rất hiệu quả, giúp khu Công nghệ cao TP.HCM thu hút thành công các DN đầu tư chính là vai trò làm đầu mối, cơ quan một cửa giải quyết các thủ tục. Thế nhưng, hiện nay, việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, do nhiều quy định pháp luật gần đây bị thay đổi, theo hướng đi ngược, từ "một cửa" trở lại cơ chế "nhiều cửa", đã gây rất nhiều khó khăn cho DN, dễ phát sinh tiêu cực, hối lộ và tham nhũng.
"Trên thực tế, thời gian qua đã có tình trạng DN tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể (SMP), dù là điều chỉnh cục bộ nhưng vẫn mất khoảng 2 năm mới xong. So với trước đây, những thủ tục này chỉ mất từ 3-6 tháng", bà Uyên nêu thực tế.
Thậm chí, một số DN có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ (như ki-ốt, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp...) để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người lao động và tiến độ sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do Ban Quản lý phải xin ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và chính quyền địa phương.
Các bước thẩm định phi kỹ thuật, mang nặng tính hành chính này góp phần kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục, dẫn tới những ảnh hưởng lớn cho DN như thời gian chờ đợi, đội vốn chi phí dự án do yếu tố lãi suất, lạm phát và ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư sản xuất và chế tạo.
Vì vậy, Chi hội SBA kiến nghị UBND TP.HCM và cơ quan thẩm quyền cho phép Khu Công nghệ cao tiếp tục giữ vai trò cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ DN nhanh chóng hơn. SBA mong muốn Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và các cơ quan sở ngành phải có sự thống nhất, tiếp nối, phối hợp trong giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính liên quan đến điều chỉnh đầu tư, hạ tầng, xây dựng, nhân sự, tài chính... cũng cần sự hỗ trợ và kịp thời giải quyết về giấy phép của Ban quản lý và chính quyền quận, huyện, thành phố.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng cho rằng, thủ tục hành chính hiện rất phiền hà vì thẩm quyền nằm ở nhiều nơi. Vì vậy, mới đây Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã họp, thống nhất với UBND TP. Thủ Đức và các sở, ngành về cơ chế một cửa liên thông. Theo đó, Ban Quản lý sẽ là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN.
Và nhiều trở lực
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA), thời quan qua, nhiều sáng kiến về cải cách hành chính đã được chính quyền thành phố áp dụng, từng bước phát huy, tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của DN, do đó thành phố cần tiếp tục đi đầu và cùng với cả nước cải cách hành chính tối đa trên mọi lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị.
Bà Lý Kim Chi nói: “Mong TP.HCM siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính. Thành phố cùng các sở ban ngành có một bộ phận tiếp nhận ngay ý kiến của các hiệp hội khi phát sinh vấn đề, đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với DN theo ngành nghề, qua đó, trực tiếp lắng nghe và rà soát quy trình, thủ tục bất cập, gây phiền hà cho DN, từ đó mới tạo được bứt phá”.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng thừa nhận, qua khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND Thành phố đã nhận rất nhiều “than phiền” từ DN. Cụ thể là thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, DN mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, tốn chi phí. Vì vậy, DN đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết đến các về thay đổi các chính sách, quy định của pháp luật để chủ động thực hiện. DN cũng cần Thành phố công khai, minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả hồ sơ cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Không chỉ vướng ở thủ tục hành chính, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng, có nhiều thách thức từ bên ngoài và trở lực từ bên trong có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng mà Thành phố cần nhận diện rõ.
Thách thức từ bên ngoài gồm dịch bệnh diễn biến khó lường, bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả tăng, người tiêu dùng toàn cầu có thay đổi khó đoán về nhu cầu, bất ổn kinh tế thế giới; tư duy về phương thức kinh doanh đang chuyển qua hướng số hóa, xanh sạch và bền vững. Trong khi đó, Thành phố cũng đối diện với nhiều trở lực như tốc độ giải ngân chậm, cải cách hành chính chưa làm hài lòng người dân và DN, chính sách hỗ trợ DN và người dân đã ban hành nhưng vẫn còn chậm…
Cũng theo ông Trường, “chiếc áo” về cơ chế dành cho TP.HCM quá chật so với nhu cầu phát triển.