Một số vấn đề pháp lý về dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư
Pháp luật - Ngày đăng : 06:00, 05/09/2022
Có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ một số tiền không nhỏ trong đấu giá để có được quyền sử dụng đất sạch từ nhà nước. Ảnh: Lê Giang |
Thực chất, việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra thành dự án độc lập đã được đề cập trong Luật Đầu tư công 2019. Tuy nhiên, đây vẫn đang là một hướng đi mới, đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà soạn thảo và ban hành pháp luật để làm sao xây dựng được một cơ chế hiệu quả hơn so với cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước đây.
Lợi ích khi tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra thành dự án độc lập
Trước hết, đối với nhà nước và các chủ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất góp phần vào việc đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Bên cạnh đó, một điều không thể phủ nhận là trao quyền sử dụng đất đã hoàn thành thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư dự án giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Thực tiễn cho thấy có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ một số tiền không nhỏ trong đấu giá để có được quyền sử dụng đất sạch từ nhà nước. Điều này thể hiện sức hút mãnh liệt của đất sạch đối với các nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.
Quy định trên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhóm chủ thể vô cùng quan trọng chính là người có đất bị thu hồi thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cần xác định xem việc thay thế chủ thể thực hiện hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liệu có đem lại lợi ích, hay ít nhất là bảo vệ được quyền lợi cho nhóm chủ thể này không. Nên chăng cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng trong quá trình thực hiện dự án nêu trên cần được điều chỉnh để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của nhóm chủ thể này.
Những khó khăn trong thực thi
Có khá nhiều khó khăn mà nhà làm luật cần phải đối mặt khi xây dựng các điều luật về vấn đề này.
Thứ nhất, theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết thì mới tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập. Như vậy, cần phải xác định như thế nào là những trường hợp thật sự cần thiết, hay nên chăng ở giai đoạn thí điểm mô hình này, có thể áp dụng cho tất cả các loại dự án cần phải thu hồi đất.
Thứ hai, hiện nay nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất đang thuộc về Tổ chức dịch vụ công về đất đai và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hay nói chung là nhiệm vụ của các chủ thể thuộc khối nhà nước. Tuy nhiên, cần phải đánh giá khách quan là hiệu quả hoạt động của các chủ thể trên chưa đạt do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Nên chăng, cho các chủ thể thuộc khối tư nhân đủ khả năng tham gia thực hiện các dự án này và để làm được điều đó, cần có sự lựa chọn một cách công khai và minh bạch.
Thứ ba, quy định pháp luật hiện nay cho thấy kinh phí tổ chức thực hiện và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào vốn đầu tư của dự án. Do đó, cần tính đến sự chênh lệch về kinh phí khi các tổ chức dịch vụ công tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khi tách thành một dự án đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho nhà nước và chủ đầu tư dự án có sử dụng đất.
Thứ tư, cơ chế thực hiện và triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có hiệu quả hay không cũng cần bàn đến quyền của các nhà đầu tư. Chủ đầu tư có quyền được quyết định các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một cách độc lập hay vẫn phải phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền?
Các vấn đề trên cho thấy, bản chất việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra thành một dự án độc lập giúp nâng cao sự chuyên môn hóa trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chứ chưa thực sự giải quyết triệt để nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc trong các hoạt động này. Do đó, việc thí điểm cần tính toán và cân nhắc một cách toàn diện để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các chủ thể có liên quan, đặc biệt là người dân có đất bị thu hồi.