Đòn giáng khí đốt Nga mất dần sức nặng

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 06/09/2022

Nga liên tục tung đòn khí đốt với châu Âu bằng những lần gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng, nhưng không phá vỡ được khối đoàn kết của EU.
Đòn giáng khí đốt Nga mất dần sức nặng

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. Ảnh: AFP.

Cuộc họp thường niên của hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất nước Pháp Le Mouvement des Entreprises de France năm nay có chủ đề rất khác. Thay vì thảo luận các vấn đề truyền thống như công đoàn, các giám đốc điều hành có mặt ở Longchamp Racecourse tại Paris quan tâm nhiều hơn tới giá năng lượng và liệu châu Âu có đủ khí đốt để vượt qua mùa đông hay không.

"Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung vào mùa đông này, châu Âu sẽ không có đủ khí đốt. Không có nguồn cung thay thế để bù đắp ngay lập tức", Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne thừa nhận.

Chính phủ Pháp nói rằng cách duy nhất để tránh khủng hoảng là giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng trong 6 tháng tới. Mỗi doanh nghiệp sẽ được yêu cầu đưa ra kế hoạch "tiết kiệm năng lượng" để giảm tiêu thụ vào mùa thu này. Pierre-Louis Brenac, cố vấn cho SIA Partners, bên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU), Anh và Trung Đông, cho rằng tình hình năng lượng của Pháp vẫn tốt hơn nhiều so với các nước khác.

Ở phía bên kia eo biển Manche, cơ quan quản lý năng lượng Anh công bố mức tăng giá năng lượng 80% vào tháng tới. Dan Paskins, giám đốc Save the Children UK, nói rằng những động thái này của Anh là đòn giáng nhắm vào người nghèo. Một phần của vấn đề là chính phủ Anh không sẵn sàng đưa ra các quyết định chi tiêu lớn cho tới khi bầu ra được một lãnh đạo đảng Bảo thủ mới, dự kiến vào tuần tới, để thay thế Thủ tướng Boris Johnson.

Dù Đức đã giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga từ 55% xuống 26% trong năm qua, giá khí đốt vẫn tăng nhanh. Người tiêu dùng Đức đang đứng trước một khoản thuế khí đốt mới, dự kiến có hiệu lực từ tháng 10.

Cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát đã mang tới nhiều khó khăn cho các quốc gia châu Âu, đồng thời đặt ra thách thức với sự đoàn kết của lục địa. Bộ trưởng Thương mại Cộng hòa Czech cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang trong "cuộc chiến năng lượng với Nga" và khối cần phải có hành động chung để ngăn thiệt hại nhiều hơn.

Nhà phân tích Brenac cho biết chia rẽ châu Âu là một trong những mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng ông Putin đang tìm cách sử dụng khí đốt như một công cụ khiến các nước châu Âu bất đồng để phá vỡ sự đoàn kết của họ", ông nói.

Nhưng cho đến hiện tại, châu Âu vẫn tỏ ra khá thống nhất trên mặt trận ứng phó Nga. Các bộ trưởng năng lượng và nguyên thủ các nước EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 9/9 để củng cố tinh thần đoàn kết của khối, thông qua các chính sách năng lượng và kế hoạch hành động chung.

"Châu Âu ngày nay bắt đầu quay lại với chính sách hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, giống như sáng kiến có tên gọi Cộng đồng Than Thép châu Âu từ những năm 1950", Eleanor Beardsley, nhà phân tích của NPR, cho hay.

Sự đoàn kết của châu Âu cũng được thảo luận tại diễn đàn doanh nghiệp Paris, khai mạc hôm 29/8 với bài phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Zelensky nói mùa đông sẽ không dễ chịu, nhưng mong rằng người châu Âu sẽ sát cánh cùng Ukraine giành chiến thắng.

"Ông Putin đe dọa tất cả chúng ta bằng cuộc chiến cũng như các công cụ về lương thực và năng lượng", ông Zelensky nói, sau đó mời các công ty Pháp tới giúp tái thiết Ukraine vào thời điểm phù hợp.

Luis Antunes - CEO của công ty tư vấn năng lượng Eco Pro, say sưa lắng nghe. "Tuyệt vời", ông nói về bài phát biểu của Tổng thống Ukraine mà ông cho rằng đã đề cập đến mọi vấn đề then chốt. Antunes cho biết các doanh nghiệp Pháp tất nhiên sẽ lo lắng về lợi nhuận khi giá năng lượng tăng vọt, nhưng có một điều còn quan trọng hơn. "Ukraine đang đấu tranh và châu Âu phải kiên quyết ủng hộ điều đó", Antunes cho hay.

CEO của Eco Pro thêm rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các động thái về năng lượng của Nga gây ra mối đe dọa đối với các công ty châu Âu lớn hơn việc tăng giá năng lượng. Giới quan sát nhận định quyết tâm này giúp châu Âu từng bước thoát khỏi phụ thuộc năng lượng Nga, dù đối mặt nhiều khó khăn.

"Châu Âu đang đứng trước một mùa đông khó khăn, có lẽ là hai năm thay đổi với nhiều nỗi đau kinh tế. Nhưng sau đó, họ sẽ trở nên độc lập hơn với những sự kết hợp đa dạng các nguồn cung năng lượng", Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu của Economist Intelligence Unit, nói.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu.

Các nhà phân tích nói Đức có thể nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ khí đốt trong những tuần gần đây do một số yếu tố. Đầu tiên là nguồn cung bổ sung từ Na Uy, Hà Lan và các nước khác. Thứ hai là do nhu cầu trong nước giảm vì giá năng lượng cao và các doanh nghiệp chuyển từ khí đốt sang các loại nhiên liệu khác. Chính phủ Đức đã cung cấp hơn 15 tỷ USD để giúp bổ sung các cơ sở lưu trữ khí đốt.

Đức đã không có những phản ứng quá quyết liệt khi tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo đóng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 do phát hiện tuabin tại trạm Portovaya bị rò rỉ dầu. Hãng Siemens Energy của Đức chỉ ra tuyên bố cho rằng sự cố rò rỉ dầu không phải lý do kỹ thuật khiến Gazprom hoãn mở lại Nord Stream 1 sau đợt bảo dưỡng.

Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết Đức ngày càng có vẻ sẽ vượt qua được mùa đông mà không cần phân bổ khí đốt theo định mức, ngay cả trong trường hợp xấu nhất là Nga ngừng vĩnh viễn đường ống Nord Stream 1.

"Đó là tin tốt. Ảnh hưởng của năng lượng Nga đối với châu Âu đã gần kết thúc", Bremmer nói. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho biết mối đe dọa về thiếu hụt khí đốt vẫn còn, khi các kho dự trữ của EU nếu được lấp đầy vẫn chỉ đủ dùng cho ba tháng.

Andreas Schroeder, người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng tại ICIS, cho rằng đòn bẩy của Nga với năng lượng châu Âu "chưa kết thúc, nhưng đang dần dần mất sức nặng".

(Theo VnExpress)

Thanh Tâm