Thổ Nhĩ Kỳ: Các nước châu Âu đang "gặt quả" của chính mình
Quốc tế - Ngày đăng : 02:35, 07/09/2022
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ở Lviv, Ukraine, ngày 18/8. Ảnh: Reuters. |
"Thái độ của châu Âu với ông Putin, các lệnh trừng phạt của họ, khiến ông ấy dù muốn hay không cũng phải nói 'nếu anh làm thế này, tôi sẽ làm thế kia'", ông Erdogan trả lời báo giới hôm 6/9/2022.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Âu đang "gieo nhân nào, gặt quả nấy" khi áp trừng phạt kinh tế với Nga, kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. "Ông ấy (Putin) đang sử dụng mọi biện pháp và vũ khí. Khí tự nhiên, thật không may, cũng là một trong số này", ông Erdogan nói.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, khủng hoảng năng lượng đã mang tới nhiều khó khăn cho các quốc gia châu Âu, đồng thời đặt ra thách thức với sự đoàn kết của lục địa. Theo Bộ trưởng Thương mại Cộng hòa Czech, Liên minh châu Âu (EU) đang trong "cuộc chiến năng lượng với Nga" và khối cần phải có hành động chung để ngăn thiệt hại nhiều hơn.
Trên thực tế, quan điểm của ông Erdogan tương tự những tuyên bố gần đây của Nga. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/9 cho rằng chính các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã khiến đường ống Nord Stream 1 phải dừng hoạt động.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Nó chỉ hoạt động với 40% công suất từ tháng 6/2022, vì một tuabin bị Canada giữ lại theo các lệnh trừng phạt Nga, sau khi được gửi đến nước này để bảo dưỡng.
Kể từ tháng 7, Nord Stream 1 hoạt động ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất, với lý do một số tuabin ngừng hoạt động. Lưu lượng qua đường ống dừng hoàn toàn từ ngày 31/8 để bảo trì trong ba ngày. Gazprom sau đó thông báo đóng Nord Stream 1 vô thời hạn vì tuabin chính tại trạm nén Portovaya gần St. Petersburg bị rò rỉ dầu.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan vẫn duy trì quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ chối tham gia trừng phạt Nga nhưng vẫn đang cung cấp vũ khí, máy bay không người lái (UAV) chiến đấu cho Ukraine, khiến ông được cho là lãnh đạo gây nhiều tranh cãi nhất về quan điểm với cuộc xung đột Nga - Ukraine trong khối NATO.
Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ còn trở thành trung gian để Nga - Ukraine ký thỏa thuận ngũ cốc, giúp Kiev xuất khẩu lượng lương thực khổng lồ bị mắc kẹt do các biện pháp phong tỏa Biển Đen. Nước này thậm chí còn bị cáo buộc "trục lợi chiến tranh", hay "hiệp sĩ đen", thuật ngữ được giới chuyên gia sử dụng để chỉ một quốc gia giúp nước khác né tránh lệnh trừng phạt quốc tế để phục vụ lợi ích riêng của mình.
Theo AFP, Nga hiện cung cấp gần nửa lượng khí tự nhiên mà Thổ Nhĩ Kỳ mua trong năm ngoái. Tại cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước đầu tháng 8, Ankara cam kết sẽ dần chuyển sang thanh toán bằng ruble với Moskva. Giới phân tích tin thỏa thuận giúp đảm bảo Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ qua đường ống TurkStream dưới Biển Đen.
Tổng thống Erdogan không cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào tình trạng thiếu năng lượng trong năm nay. "Tôi nghĩ châu Âu sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng trong mùa đông này. Chúng tôi thì không rơi vào tình trạng như vậy", ông nói.