Những giải pháp đột phá giúp du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:06, 09/09/2022

Du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi nhưng để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới...
Những giải pháp đột phá giúp du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chia sẻ tại diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững” tổ chức tại TP.HCM ngày 8/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành (tháng 10/2021) và cùng với việc nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19, du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi, tiến tới mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3/2022. Du lịch trong nước đã có bước khởi sắc rất tốt và du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi. 

Số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (TTDL), 8 tháng đầu năm 2022, có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch địa trong 8 tháng qua đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600.000 tỷ đồng.

Trong thời dịch bệnh, các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực đổi mới sản phẩm, sửa sang cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua những khó khăn để giữ được nguồn nhân lực du lịch. Đây là cơ sở để du lịch Việt Nam tự tin thực hiện những giải pháp mở rộng, phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới một cách an toàn, linh hoạt, mạnh mẽ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 2 năm dịch bệnh, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới.

Thứ nhất, phải giải "bài toán" thiếu nhân lực du lịch bằng việc huy động các DN, trước hết là DN du lịch, tham gia đào tạo. TTDL cần phối hợp với các DN, hiệp hội, đề xuất cơ chế, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép thí điểm những mô hình đào tạo mới.

-5210-1662648747.jpg

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại diễn đàn du lịch cấp cao

Thứ hai là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Trước hết là những sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nylon, sau đó lan tỏa ra các khu dân cư xung quanh.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Không chỉ việc giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông minh, mà còn là số hoá các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến.

Thứ tư, tăng cường kết nối hơn nữa giữa các DN, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

Thứ năm, phải có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch phải chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, DN du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ rất cụ thể những khó khăn, vướng mắc.

Thứ sáu, tất cả các khâu trong phát triển du lịch (xúc tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực, xây dựng môi trường văn hoá, khắc phục các nỗi sợ của du khách…) phải được thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhằm lấy lại quãng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thứ bảy, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp với nhau, có những giải pháp mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm, triệt để từng vấn đề, vướng mắc gặp phải để thúc đẩy du lịch góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội nhanh hơn sau đại dịch.

Hồng Nga