Đồng yên Nhật lao dốc: Giới chức Nhật vẫn "bình chân như vại"
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 10/09/2022
Đà lao dốc chưa dừng lại
Chỉ trong vòng một tháng qua, JPY đã giảm giá hơn 9% so với USD, theo đó đưa tốc độ mất giá so với đầu năm nay lên mức 25%, đánh dấu năm mất giá mạnh nhất của đồng JPY khi đã vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 là 19,1%. Tỷ giá USD/JPY trong ngày 7/9/2022 đã vượt mốc 144, cao nhất trong 24 năm qua.
Không chỉ mất giá so với đồng USD, đồng bản tệ của Nhật Bản còn giảm giá so với đồng euro (EUR), dù đồng EUR cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi đã có lúc rớt về dưới mốc 1 so với USD, trong bối cảnh lạm phát tại các nước châu Âu liên tục lập đỉnh và kinh tế đối mặt với khó khăn vì ảnh hưởng bởi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu khiến đồng JPY mất giá mạnh so với đồng USD là do các nhà đầu tư lo ngại về khoảng cách lãi suất giữa các nền kinh tế Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp thường kỳ tháng 9, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm hỗ trợ đà phục hồi nền kinh tế.
Cặp tỷ giá USD/JPY đang lên mức cao nhất kể từ năm 1998 |
Tính từ đầu năm đến nay, FED đã có đến 4 lần tăng lãi suất cơ bản USD, với tổng mức tăng đến 2,25%, đồng thời thu hẹp các chương trình mua tài sản. Cuộc họp trong tháng 9 này có lẽ FED có thêm một lần tăng lãi suất ở mức 0,75% nữa. Ngược lại, BOJ vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức âm 0,1% trong suốt nhiều năm qua, đồng thời vẫn đang tiếp tục triển khai các gói kích thích kinh tế.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng đồng JPY lao dốc mạnh là hệ quả tất yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay. Vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nhưng hai năm đại dịch vừa qua cùng với những căng thẳng địa chính trị đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dẫn đến hàng hóa của Nhật Bản xuất đi các nước bị đình trệ. Thêm vào đó, lạm phát gia tăng khắp nơi khiến hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản càng gặp khó khăn hơn, vì vậy việc giảm giá đồng yên có thể phần nào hỗ trợ cho thương mại.
BOJ sẽ chưa vội hành động?
Chính vì lẽ đó mà giới hoạch định chính sách Nhật Bản dường như vẫn không mấy sốt ruột và hành động để ngăn chặn sự mất giá của đồng JPY. Phát biểu gần đây trước báo giới, dù Bộ trưởng Tài chính Suzuki nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản sẽ có hành động thích hợp nếu cần thiết, tuy nhiên các quan chức BoJ lại cho biết mặc dù lạm phát trong vài tháng đã vượt mục tiêu 2%, nhưng chỉ điều đó sẽ không đủ để rút lại các biện pháp kích thích kinh tế.
Thành viên HĐQT BoJ Junko Nakagawa ngày 31/8/2022 cảnh báo về những rủi ro đối với nền kinh tế Nhật Bản, như khả năng chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng xấu đến chi tiêu hộ gia đình. Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ siêu lỏng trong thời gian tới. Cũng theo bà Nakagawa, đồng JPY yếu thúc đẩy lợi nhuận cho các nhà sản xuất, trong khi gián đoạn nguồn cung do các lệnh phong tỏa ngừa Covid-19 tại Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản.
Số liệu thống kê cho thấy, tiêu dùng ở Nhật Bản đang tăng khi tác động của đại dịch giảm xuống, nhưng tác động của một loạt đợt tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của "xứ hoa anh đào". Giá tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản trong tháng 7 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất trong 7,5 năm do giá nhiên liệu và nguyên liệu thô tăng mạnh.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, dẫn đến hàng hóa của Nhật Bản xuất đi các nước bị đình trệ. Thêm vào đó, lạm phát gia tăng khắp nơi khiến hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn hơn, vì vậy việc giảm giá đồng yên có thể phần nào hỗ trợ cho thương mại.
Nhiều năm qua, BoJ đã duy trì chính sách tiền tệ cực lỏng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế và hướng tới cam kết giữ lãi suất ở "mức hiện tại hoặc thấp hơn", đồng thời tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế khi cần thiết.
Tại cuộc họp ngày 21-22/9/2022 tới đây, BoJ sẽ quyết định xem có kết thúc chương trình cho vay cứu trợ đại dịch theo lịch trình sẽ hết hạn vào cuối tháng 9 hay không. Hồi tháng 6, giới chức Nhật Bản cho biết sẽ có động thái nếu cần thiết, nhưng không nói rõ động thái này là gì. Thông báo này được đưa ra sau cuộc họp ba bên giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản.
Tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 7/9/2022, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói, ông lo ngại trước đà "giảm giá nhanh, một chiều" của đồng yên và Nhật Bản sẽ cần phải hành động nếu đà giảm tiếp tục. Đây là những ngôn ngữ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của giới chức trách Nhật Bản để bày tỏ khả năng can thiệp tỷ giá. Hãng tin Kyodo News cũng dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, ông đang quan sát chặt chẽ sự suy yếu của đồng yên.
Đáng lưu ý là nhà kinh tế học Nouriel Roubini từng cho rằng, nếu tỷ giá USD/JPY vượt mốc 140 yên một USD là đủ để BoJ phải hành động. Dù vậy, việc BoJ sẽ "hành xử" ra sao dường như là một điều khó có thể đoán trước. Lần cuối cùng nước này can thiệp kéo giá nội tệ lên là năm 1998. Khi đó, phần lớn châu Á đang chịu tác động từ khủng hoảng tài chính trong khu vực.