Lĩnh vực sản xuất được ưu tiên trong room tín dụng tăng
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:30, 10/09/2022
Trong đó, Sacombank dẫn đầu danh sách được nâng room tín dụng ở mức 4%. Các ngân hàng khác như Agribank 3,5%, MB 3,2%, SHB 3,2%, VIB 3%, Vietcombank 2,7% TPBank 1,2%, VPBank và LienVietPost Bank được điều chỉnh dưới 1%.
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm sẽ ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, giải quyết bài toán hỗ trợ khách hàng cá nhân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả... Riêng lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục hạn chế cho vay.
Việc điều chỉnh room tín dụng dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26/8, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 14%. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết với mức room tín dụng được cấp 4% đã nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế. Bà Diễm nhấn mạnh room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước và tuy thanh khoản của Sacombank dồi dào nhưng tốc độ tăng trưởng huy động và tín dụng sẽ được kiểm soát chặt và chia ra cho 4 tháng cuối năm để bảo đảm tăng trưởng đúng mục tiêu.
Được cấp thêm 2,7% room tín dụng, Vietcombank tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, bảo đảm ở mức hợp lý, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, bảo đảm tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp.