Đẩy mạnh khai thác thị trường Canada
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:57, 11/09/2022
Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Canada, các yếu tố thuận lợi giúp DN Việt Nam đẩy mạnh khai thác thị trường Canada ngoài các cam kết ưu đãi về thuế quan theo CPTPP, thì phía Canada có khá nhiều DN lớn thuộc các lĩnh vực công nghệ nền tảng Việt Nam có nhu cầu phát triển như năng lượng hydrogen, năng lượng sinh khối, thu hồi và lưu trữ carbon, y học chính xác, công nghệ hàng không... các DN Việt Nam có thể liên kết, hợp tác.
Hiện nay, các DN Canada cũng đã bắt đầu nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp nội địa của Việt Nam như sản phẩm inox, gốm sứ gia dụng, thủy tinh, dây cáp điện, thiết bị điện nhỏ, nhựa gia dụng tự hủy...
Tiềm năng phát triển thị trường và kết nối chuỗi sản xuất hai nền kinh tế Việt Nam - Canada đang có những yếu tố thuận lợi do Canada có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung. Chính phủ Canada đang chuẩn bị công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đặt trọng tâm phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với châu Á, trong đó Việt Nam được xem là điểm sáng. Canada đang rất nỗ lực hỗ trợ các DN của họ quốc tế hóa thông qua kết nối trực tiếp các cảng nước sâu của Việt Nam với Vancouver và Montreal của Canada để giảm chi phí vận tải.
Tuy nhiên, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada là một thị trường tiêu chuẩn cao, có nhiều đối thủ cạnh tranh, khoảng cách địa lý xa, giá cước vận chuyển cao, đòi hỏi năng lực cung ứng hàng hóa tốt, chi phí đi lại ở Canada đắt đỏ, số vụ việc phòng vệ thương mại cũng như tranh chấp về thanh toán và chất lượng cũng rất nhiều. Hệ thống bán lẻ tại Canada có độ tập trung rất cao, các điều kiện tiếp cận ngặt nghèo về chi phí lên kệ, tiêu chuẩn chất lượng, thời hạn thanh toán... Đây đều là những vấn đề khó khăn mang tính nội tại đối với các DN Việt Nam.
Ngoài ra, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế 2022 của Canada cũng không khả quan. Sau đại dịch Covid-19, năng suất lao động và tình trạng thiếu nhân lực bốc dỡ container tại Canada bị suy giảm, nhiều container hàng hóa từ Việt Nam vận chuyển sang phải mất từ 3-4 tháng mới được bốc dỡ.
Canada cũng đang thâm hụt thương mại với Việt Nam ngày càng lớn kể từ sau khi thực thi CPTPP, từ mức 3,8 tỷ USD năm 2018, dự kiến năm 2022 có thể tăng lên 5 tỷ USD, hiện các DN và hiệp hội DN tại Canada cũng đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng thâm hụt thương mại với Việt Nam.
Để giúp DN Việt Nam tiếp cận thị trường Canada, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến thông tin thị trường cho DN. Ngoài ra, theo bà Trần Thu Quỳnh, cần triển khai hệ thống showroom giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các nhà hàng Việt tại Canada để mở rộng phạm vi người tiêu dùng bản địa nhận diện sản phẩm Việt Nam, giúp các nhà nhập khẩu sở tại có thêm kênh tiếp cận các mẫu hàng hóa của Việt Nam và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Cần nghiên cứu cơ chế tận dụng sự hỗ trợ của các nhà hàng và đầu bếp Việt Nam tại Canada để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến Việt Nam. Tổ chức các sự kiện giới thiệu, hướng dẫn DN Canada tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp, nguyên tắc chuyển vận... trong các FTA cùng với DN Việt Nam hợp tác để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tích cực xúc tiến các hoạt động xuất khẩu khác, không chỉ là hàng hóa mà cả xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam như dịch vụ du lịch, vận tải biển, xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin, nhượng quyền thương mại, lao động... với Canada.