Tiếp cận vốn kinh doanh: Tùy thuộc vào năng lực doanh nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 07:18, 14/09/2022
Phát biểu tại diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của DN trong hoàn cảnh mới" do Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức mới đây, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, đạt 9,91%, nhiều ngân hàng gần như đã hết hạn mức tín dụng, nguồn vốn cung ứng cho sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm đang thu hẹp. Trong khi đó, gói vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/CP giải ngân chậm, điều kiện cho vay ngặt nghèo khiến DN khó tiếp cận, giải ngân mới đạt khoảng 1%. Kênh huy động vốn thị trường chứng khoán thì sau hai năm bùng nổ đã xuất hiện những lỗ hổng, phục hồi thiếu tính ổn định. Nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc, hồi phục phát triển khi dịch Covid-19 được khống chế của DN rất lớn nhưng vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhất là gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phản ánh, do tác động của đại dịch Covid-19, DN rời bỏ thị trường rất nhiều, chủ yếu do hết vốn, không tiếp cận được tín dụng ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, làm ăn thua lỗ nên hồ sơ tài chính không đủ điều kiện. Theo ông Hưng, cần có cơ chế thuận lợi hơn về bảo lãnh cho DN vay vốn, vì hiện nay vẫn yêu cầu DN phải có tài sản mới được bảo lãnh nên chẳng khác gì vay thế chấp ngân hàng. Bảo lãnh DN vay vốn cần đứng trên góc độ phát triển kinh tế, khi DN có vốn thì họ sẽ đóng thuế, tạo việc làm. Còn đứng trên góc độ mục tiêu là phải thu hồi những đồng tiền bảo lãnh với các điều kiện tương tự như tín dụng ngân hàng, thì DN không cần được bảo lãnh.
Ý kiến của đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lại cho thấy một góc nhìn khác là nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho sản xuất, kinh doanh không thiếu. Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2022 đề ra là 14%, trong 8 tháng đã đạt 9,91%, nhưng dư địa tín dụng 4 tháng còn lại vẫn còn khoảng 4,1% (khoảng 410.000 tỷ đồng tính theo quy mô tín dụng tương đương 125% GDP). Điều này cho thấy các ngân hàng không thiếu vốn cho vay sản xuất, kinh doanh, nếu DN có đủ điều kiện sẽ được vay. Ngân hàng có thể tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hỗ trợ cả lãi suất, nhưng nếu DN không đáp ứng được điều kiện thì không thể tiếp cận được vốn vì ngân hàng phải đảm bảo an toàn tín dụng.
Ngay cả chính sách lãi suất, Nhà nước cũng đã cho phép cơ chế thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng theo nhu cầu tùy theo mức độ tín nhiệm của ngân hàng với khách hàng. DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, khi vay vốn ngân hàng thường gặp khó khăn về tài sản thế chấp, nhưng ngoài vay thế chấp, còn có hình thức cho vay tín chấp, DN cũng phải đáp ứng các điều kiện về tín nhiệm. Để được vay tín chấp, DN cần phải công khai, minh bạch về dòng tiền, doanh thu, nguồn thu... đảm bảo phía ngân hàng có thể kiểm soát được, thu hồi được nợ, nếu đủ tín nhiệm vay tín chấp thì mới tiếp cận được nguồn vốn này.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Econimica Việt Nam cho rằng, nếu DN không có phương án kinh doanh hiệu quả, không đảm bảo được khả năng trả nợ mà phía ngân hàng vẫn cho vay thì sẽ rủi ro an toàn tín dụng. Không phải ngân hàng cứ cho vay vốn càng nhiều là càng tốt, mà phải đưa được vốn đến đúng những DN sử dụng vốn tốt để tạo cơ hội cho họ phục hồi, phát triển. Đó cũng là cách để giữ ổn định nền kinh tế, vì ngân hàng là một loại hình DN đặc biệt, hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, có hoạt động an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới an toàn, hiệu quả.
Không phải DN gặp khó khăn, có nhu cầu về vốn kêu lên thì sẽ tiếp cận được vốn, mà bản thân DN cần phải có năng lực quản trị tài chính, sử dụng vốn tốt, có khả năng tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả và phải chứng minh được những điều đó thì bài toán về vốn mới có được lời giải khả thi.