Làm sao đón làn sóng nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 05:45, 15/09/2022

Làm thế nào thu hút được nhà đầu tư nhỏ lẻ là chủ đề được đặt ra tại tọa đàm "IR View: Làm sao để đón làn sóng nhà đầu tư nhỏ lẻ?" được tổ chức sáng 15/9 trong khuôn khổ Lễ Vinh danh Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2022 (IR Awards) doVAFE, FiLi và Vietstock đồng tổ chức.
Làm sao đón làn sóng nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Thống kê của Vietstock cho thấy, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tham gia trên thị trường chứng khoán. Đến cuối tháng 7/2022, lượng tài khoản NĐT cá nhân đạt hơn 6.3 triệu tài khoản, chiếm trên 99% tổng tài khoản toàn thị trường.

Theo ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (DGW): ‘Xu hướng của các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục tăng vì tỷ lệ dân thu nhập trung bình đang ngày càng tăng lên và sẽ trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Thay vì tiêu xài cho mục đích giải trí, họ sẽ chuyển sang đầu tư để mang lại nhiều lợi ích hơn cho cuộc sống.

Tuy nhiên, đầu tư không phải là công việc đơn giản và tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là chơi chứng khoán với mong muốn lãi vài ngày vài phần trăm. Tôi hy vọng NĐT cá nhân sẽ càng ngày hiểu biết hơn, thận trọng hơn, và có thể đầu tư thông qua các sản phẩm chứng chỉ quỹ để tăng tính an toàn.

Trả lời câu hỏi: “NĐT nhỏ lẻ thường ít vốn lại bị khan hiếm thông tin chuẩn mực. Vậy cơ hội nào cho NĐT nhỏ lẻ có thể tiếp xúc nhiều hơn với doanh nghiệp qua mỗi buổi gặp gỡ với NĐT và cổ đông lớn để có nhiều sự lựa chọn đầu tư chính xác và chủ động hơn?  Bà Nguyễn Hoài Thu– Giám đốc điều hành khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital cho biết: “Gần đây, lượng nhà đầu tư cá nhân tăng cao đã trở thành trụ cột thanh khoản thị trường. Các doanh nghiệp cũng đã nâng tầm nhận thức và tổ chức các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư thay vì chỉ tổ chức gặp gỡ phân tích. Đây là động thái mở rộng thêm thông tin cho nhà đầu tư cá nhân.

Trước thực tế  thời gian qua, trên thị trường liên tục đón nhận rất nhiều tin đồn về gây bất lợi cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất nhiều lên tâm lý NĐT, đặc biệt những NĐT nhỏ lẻ, ông Đoàn Hồng Việt chia sẻ kinh nghiệm: ‘Khi gặp tin đồn, ngay lập tức chúng tôi phải thông báo, đó có thể là tốt hoặc xấu. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều xuất phát từ con người. Nếu con người, ban lãnh đạo không tốt thì công ty đó sẽ đi xuống. Nếu thay đổi ban lãnh đạo tốt thì công ty đó sẽ đi lên và điều này sẽ cần có quá trình. Những chỉ báo như thế thường rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều cá nhân vẫn đang rơi vào các cạm bẫy do lòng tham. Qua nhưng đợt đánh đối như thế này, nhà đầu tư sẽ có kinh nghiệm và sẽ dễ nhận ra được những trường hợp hạn chế như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

-5572-1663231427.jpg

 ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM (đang phát biểu) tại tọa đàm

Về mặt quản lý Nhà nước, ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cũng chia sẻ: “ Thị trường vừa qua tăng trưởng nhanh, quy mô lớn. Đi kèm với đó là hành vi thao túng càng ngày càng tinh vi và phức tạp. Luật Chứng khoán mới đã nâng mức xử phạt lên và có thu lại gấp 10 lần số thu lợi bất chính. Luật có quy định chế tài CTCK thành viên vi phạm có thể bị đình chỉ, nhân viên môi giới có thể bị thu hồi chứng chỉ. Tôi nghĩ nên nâng mức xử phạt lên nữa và đào tạo về quy định xử phạt để thị trường nắm bắt.

Trả lời câu hỏi: “Khi đầu tư vào cổ phiếu, các nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến điều gì nhiều nhất? Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty tư vấn độc lập FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, nên chia NĐT cá nhân  ra thành hai nhóm. Một là nhà đầu tư bình thường với kinh nghiệm 5-10 năm, họ đã có chiến lược đầu tư hợp lý. Hai là các nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm 3 năm trở lại đây. Với nhóm này, theo tôi, họ rất quan tâm tới các thông tin nóng, những thông tin có thể tạo ra lợi nhuận trong vài ngày. Với các nhà đầu tư, nếu bạn thất bại một lần trên thị trường chứng khoán, có thể là do bạn chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, thất bại nhiều lần thì đó là do chúng ta và một phần do nhà đầu tư rất mau quên. Doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán rất nhiều với chất lượng rất khác nhau.

“Nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm lại thường bật đồ thị kỹ thuật để xem điểm mua điểm bán. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang phát triển và có nhiều sự thao túng để thu hút nhà đầu tư vào cạm bẫy. Do đó, nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp có công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao hoặc có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư, ông Tuấn lưu ý.

Chia sẻ tiềm năng của thị trường chứng chỉ quỹ tại Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết: ‘Hiện, các quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam chỉ có quy mô trong vòng 500 triệu USD. Để so sánh với các thị trường lân cận, ở Malaysia và Indonesia, các quỹ đầu tư có quy mô tới vài chục, vài trăm tỷ USD. Do đó, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Bà Thu cũng cho rằng: "Cơ quan quản lý đã có nhiều hoạt động để tăng cường tính minh bạch. IR của doanh nghiệp niêm yết đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây, doanh nghiệp đã cởi mở hơn chịu khó công bố thông tin hơn. Nhà đầu tư nên bỏ tâm lý chơi chứng khoán và đầu tư chứng khoán. Đầu tư trên cơ sở tìm hiểu kỹ càng, nếu sau 2-3 năm mà cảm thấy không ổn thì nên xem xét chuyển sang đầu tư thông qua quỹ. Nếu lặp lại các lỗi như nhau thì nhà đầu tư nên xem lại cách đầu tư. Nên có quan điểm đầu tư dài hạn hơn, bài bản hơn và xem xét cách đầu tư để lại giá trị cho tương lai chứ không phải chỉ là T+ rồi rút ra".

Ở góc độ quản lý, ông Năng chia sẻ thêm: "Tôi nghĩ nên bảo vệ nhà đầu tư khỏi các hành vi thao túng thị trường. Vừa rồi có chỉ thị 02 của Bộ Tài chính nhằm tăng cường giám sát thị trường, đó là các hoạt động có ý nghĩa với sự phát triển của thị trường".

Kể từ khi đại dịch xuất hiện, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ lượng nhà đầu tư cá nhân. Đến cuối tháng 7/2022, lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt hơn 6.3 triệu tài khoản, chiếm trên 99% tổng tài khoản toàn thị trường. Con số này đạt tỷ lệ hơn 6% dân số. Nếu so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào cuối năm 2025 thì dịch COVID-19 đã đẩy số nhà đầu tư của thị trường chứng khoán lên mức rất xa.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhà đầu tư cá nhân đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Nhiều năm trở lại đây, khối lượng và giá trị giao dịch nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80% tổng giá trị giao dịch. Tháng 7/2022, lượng giao dịch nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm đến 85%. Có thể thấy, việc đầu tư chứng khoán đã thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống hàng ngày của người dân.

Sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư cá nhân mới cũng thay đổi thị trường chứng khoán cả về chất lẫn về lượng trong hơn 2 năm trở lại đây. Trước diễn biến này, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tận dụng cơ hội để phát hành cổ phần nhằm huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo đánh giá tình hình thị trường vốn năm 2021 của Bộ Tài chính, tổng giá trị huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt gần 144 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.

Trong tương lai, thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục khởi sắc để thực hiện đúng vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của doanh nghiệp, nền kinh tế; đồng thời là kênh đầu tư sinh lời, an toàn, hiệu quả. Điều này chắc chắn sẽ hấp dẫn lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường.

Dù vậy, để một doanh nghiệp trên sàn có thể thu hút được lượng nhà đầu tư giữa hàng ngàn doanh nghiệp là bài toán không hề dễ dàng. Bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường có tâm lý dễ bị dao động, một vài biến động nhỏ trên thị trường cũng đủ khiến họ “đứng ngồi không yên”.

(Nguồn: Vietstock)

PV