Nga - Trung sát cánh giữa sức ép phương Tây
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 16/09/2022
Trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Samarkand của Uzbekistan ngày 15/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẽ ủng hộ các lợi ích cốt lõi của Moskva, trong đó có vấn đề Ukraine.
Tổng thống Putin khẳng định Nga ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" và phản đối "các hành động gây hấn" của Mỹ trên eo biển Đài Loan. Ông tuyên bố những nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một thế giới đơn cực sẽ thất bại, cho rằng cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ "làm quan hệ đối tác Nga - Trung ngày càng mạnh mẽ".
Chủ tịch Tập (trái) và Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan hôm 15/9. Ảnh: AFP |
Rất lâu trước khi xung đột Ukraine - Nga nổ ra, trật tự thế giới đã có những biến động lớn. Mỹ, dưới thời chính quyền Donald Trump, ưu tiên chính sách "Nước Mỹ trên hết" và đẩy quan hệ với Trung Quốc lao dốc nghiêm trọng. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, ông tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc và thiết lập liên minh chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Sau đó, xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đẩy nhanh quá trình chia rẽ và định hình lại địa chính trị toàn cầu. Mỹ và phương Tây thiết lập liên minh chống Nga, tung ra những đòn trừng phạt chưa từng có, khiến mối quan hệ Nga - phương Tây ngày càng tồi tệ.
"Tất cả những diễn biến này làm xói mòn quá trình toàn cầu hóa thời hậu Chiến tranh Lạnh. Cùng với sự suy yếu trật tự toàn cầu và xung đột quyền lực gia tăng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên bất ổn và tái tổ chức. Quan hệ Nga - Trung ngày càng xích lại gần nhau sẽ là một phần quan trọng của quá trình này", Lance Gore, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc gắn bó khá chặt chẽ, cả về lịch sử, địa chính trị và kinh tế, cũng như quan điểm đối đầu Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Bối cảnh lớn hơn của mối quan hệ Nga - Trung là sự xoay trục chiến lược của Mỹ sang châu Á và xu hướng mở rộng về phía đông của NATO, đặc biệt sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã so sánh việc NATO mở rộng về phía đông với các hoạt động xây dựng liên minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho rằng "mục tiêu thực sự của Mỹ là thiết lập một NATO phiên bản Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
"Áp lực từ cả hai phía của lục địa Á - Âu đã siết chặt không gian chiến lược của Trung Quốc và Nga, đẩy hai gã khổng lồ lại với nhau", chuyên gia Gore nói.
Nhà nghiên cứu của Viện Đông Á cho rằng mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Trung Quốc là "đối tác tiến công", có tiềm năng phát triển thành một liên minh để tìm cách thúc đẩy một trật tự thế giới mới, chứ không nhất thiết phải là liên minh quân sự.
Cả Moskva và Bắc Kinh đều không hài lòng với trật tự thế giới hiện nay. Trong bài phát biểu phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine hôm 24/2, Tổng thống Vladimir Putin chỉ rõ rằng những mục tiêu quân sự của ông là thay đổi luật chơi trong quan hệ quốc tế. Ông và các quan chức hàng đầu của Nga đã nhiều lần nói về chấm dứt sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.
Trong cuộc gặp tại Uzbekistan ngày 15/9, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để "thể hiện trách nhiệm của một cường quốc, đóng vai trò dẫn dắt nhằm đưa nguồn năng lượng tích cực và ổn định vào một thế giới đang chao đảo vì biến động xã hội".
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương cũng từng muốn đảm bảo với phương Tây rằng Trung Quốc hiện giờ là một cường quốc. "Hệ thống quốc tế hiện tại không hoàn hảo. Nó cần phải được cải thiện theo thời gian và Trung Quốc cam kết hỗ trợ cho quá trình này", ông nói.
Giới quan sát cho rằng chỉ có những cường quốc mới nổi ngoài phương Tây như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ mới có thể lên tiếng và cố gắng thay đổi trật tự cũ. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trên trường quốc tế và lập trường quyết đoán của Nga dưới thời ông Putin đã tạo động lực để hai nước xác định và đưa ra quan điểm mới về trật tự thế giới.
Ngày 24/2, khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Trọng tâm của GSI là khái niệm an ninh mới với "an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững", bác bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, phản đối chủ nghĩa đơn phương và nói không với chính trị phe nhóm, lập các khối đối đầu.
Dù Nga không đồng ý với tất cả những khía cạnh này, GSI cũng làm nổi bật tầm nhìn chung giữa Moskva và Bắc Kinh là "nguyên tắc an ninh không thể tách rời". Khái niệm này đòi hỏi các bên phải cam kết coi trọng mối quan tâm an ninh chính đáng của các quốc gia, xây dựng kiến trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, cũng như phản đối đảm bảo an ninh cho một quốc gia bằng cách đe dọa nước khác.
Ông Putin từng viện dẫn nguyên tắc này khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Lãnh đạo Nga tin rằng an ninh của Moskva bị đe dọa vì quá trình đông tiến của NATO. Ông Tập và ông Putin nhiều lần phản đối các chiến dịch chống khủng bố của phương Tây trên toàn thế giới, gây ra những thảm họa ở Iraq, Syria, Libya, Afghanistan và nhiều nơi khác. Một ước tính gần đây chỉ ra khoảng 380.000 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang ở những quốc gia này và hàng triệu người phải tị nạn.
Nhà nghiên cứu Lance Gore cho rằng chính những quan điểm, tầm nhìn chung đã tạo nền tảng cho một liên minh tiềm năng giữa Nga và Trung Quốc. Gore nói quan hệ Nga - Trung đã phát triển ổn định trong hơn ba thập kỷ qua và hợp tác quốc phòng dường như đã trở nên sâu sắc.
Cuối năm 2021, hai nước tổ chức tập trận hải quân chung chưa từng có tại eo biển Tsugaru ở Nhật Bản, nhằm phô diễn sức mạnh trên biển. Các oanh tạc cơ của Nga và Trung Quốc cũng tiến hành cuộc tuần tra chiến lược chung lần thứ hai trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông.
Các cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm đã trở nên thường xuyên, khi mối quan hệ an ninh song phương được mở rộng ra ngoài các cuộc tập trận chống khủng bố đơn thuần. Ngoài các chủ đề phức tạp như tấn công trên không và chống tàu ngầm, lực lượng hai nước cũng phối hợp diễn tập về tác chiến mạng và hệ thống cảnh báo sớm.
Ngày 24/5, hai nước tổ chức đợt tập trận quân sự chung đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó hai bên điều oanh tạc cơ chiến lược bay qua biển Nhật Bản, Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận dường như để phô trương sức mạnh giữa lúc Tổng thống Biden có chuyến thăm khu vực.
Gần đây nhất, Trung Quốc cũng tham gia cuộc tập trận Vostok mà Nga tổ chức từ ngày 1-7/9 với Ấn Độ, Mông Cổ, Belarus và các nước khác. Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/9 thông báo hải quân hai nước đã triển khai biên đội tàu chiến tuần tra, diễn tập bắn đạn thật trên Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác.
Quốc kỳ Nga, Trung Quốc và Mông Cổ trong cuộc diễn tập chung Vostok năm 2018. Ảnh: AP. |
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho rằng khi sức ép từ phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine và Đài Loan gia tăng, quan hệ trên mọi mặt giữa Nga và Trung Quốc sẽ càng được thúc đẩy. Trung Quốc hiểu rằng hầu như không có cách nào để quay lại quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ, khi Washington vẫn xem Bắc Kinh là mối đe dọa. Trong bối cảnh đó, tăng cường quan hệ với Nga để thiết lập lại trật tự thế giới có thể là một lựa chọn khả thi.
Dù vậy, ông Tập nhiều khả năng sẽ không thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ hơn về mặt quân sự hay chính trị cho Nga, bởi làm vậy có thể khiến Trung Quốc hứng chịu đòn trừng phạt từ phương Tây, làm phức tạp thêm những thách thức lớn mà Bắc Kinh đang đối mặt, trong đó có nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp và tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, theo Yun Sun.
Lance Gore cũng nhận định Nga - Trung nhiều khả năng vẫn duy trì quan hệ đối tác chiến lược mà ông Tập tuyên bố "mạnh mẽ hơn liên minh", để tối đa hóa các lựa chọn và phục vụ tốt hơn cho các lợi ích quốc gia đặc biệt của họ. "Trong mọi trường hợp, quan hệ đối tác Nga - Trung chặt chẽ và bền chặt hơn là một bước phát triển quan trọng trong chính trị thế giới", chuyên gia này nhận định.
(Theo VnExpress)