Diễn đàn kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 09:50, 18/09/2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc |
Tham dự Diễn đàn này sẽ có đại biểu cấp cao là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.
Với thời lượng của Diễn đàn diễn ra trong vòng 1 ngày với phiên khai mạc, phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”; và “Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”. Diễn đàn lần này được tổ chức tập trung tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), một số diễn giả, chuyên gia do điều kiện không cho phép tham dự trực tiếp cũng đã ghi hình và gửi ý kiến tới Diễn đàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn năm 2022 và điều chỉnh tên gọi là Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 để bảo đảm tính toàn diện và sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung chính:
Thứ nhất, phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội của nước ta, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023; chỉ rõ các thành tựu, kết quả đã đạt được và cảnh báo những rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính cả ở khu vực kinh tế thực (tăng trưởng kinh tế và lạm phát khu vực doanh nghiệp phi tài chính, thị trường bất động sản), khu vực kinh tế đối ngoại (tỷ giá, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối), khu vực tài chính tiền tệ (quy mô và cấu trúc các thị trường tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm) và rủi ro, bất ổn trong chính sách tài khóa (quy mô, cơ cấu nợ công, cân đối ngân sách nhà nước...).
Thứ ba, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/NQ-QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Thứ tư, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, thể chế, chính sách của Nhà nước.