Giải phóng các nguồn lực để củng cố kinh tế vĩ mô
Trong nước - Ngày đăng : 00:46, 18/09/2022
Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời đại dịch COVID-19, trong gần 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi khả quan, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát có hiệu quả, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 7,5% và tăng 6,7% trong năm 2023.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải chịu nhiều áp lực, thách thức lớn. Chẳng hạn, xuất khẩu mặc dù vẫn đang tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, song tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm tốc độ do suy giảm kinh tế tại thị trường các đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam, nhất là tại ba nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc.
Đầu tư công có vai trò quan trọng là “vốn mồi” để dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, kích thích các dòng vốn đầu tư tư nhân, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn luôn chậm, trở thành câu chuyện “dài kỳ” về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được. Nguyên nhân chính do chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm nhà đầu tư đủ năng lực, thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm… trong triển khai các dự án lớn.
Hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán hiện vẫn còn bộc lộ những rủi ro tiềm tang bởi thiếu sự giám sát chặt chẽ an toàn hệ thống, sở hữu chéo, giao dịch thiếu lành mạnh thậm chí vi phạm pháp luật.
Lĩnh vực bất động sản tồn tại nhiều bất cập, nhất là vẫn đề xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án, quản lý loại hình bất động sản hỗn hợp, quy trình, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư và triển khai các dự án, chính sách hỗ trợ cân đối nguồn cung nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
Thị trường lao động còn thiếu hiệu quả kết nối cung - cầu lao động - việc làm, đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động chưa cao.
Nhìn ở góc độ tổng thể và dài hạn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi sẽ là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ khi các chỉ số vĩ mô ổn định, thì nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa chủ động ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất thường và phục hồi nhanh chóng.
Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ là chính sách tài khóa, tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả, mà còn là việc tháo gỡ những điểm nghẽn cho nền kinh tế vận hành thông suốt, khơi thông dòng chảy thị trường, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội. Khắc phục được những điểm nghẽn sẽ có thêm điều kiện để mở rộng dư địa chính sách, chủ động điều hành vĩ mô, giải phóng các nguồn lực, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giải phóng các nguồn lực, mở rộng các động lực cho tăng trưởng kinh tế trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Để giải phóng các nguồn lực, mở rộng các động lực tăng trưởng kinh tế, theo đó: Thứ nhất, cần tiếp tục cải cách thể chế, tập trung hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai, nhất là các quy định liên quan đến định giá, đấu giá đất và phát triển thị trường bất động sản để khai thác hiệu quả nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện cơ chế đối tác công tư (PPP) để phát huy vai trò kinh tế tư nhân và tăng cường phân cấp, phân quyền, giao các địa phương có đủ điều kiện chủ động thực hiện các dự án đầu tư; tháo gỡ vướng mắc để các địa phương sớm triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm như sân bay, cảng biển và hạ tầng khác.
Thứ hai, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai có hiệu quả gói phục hồi kinh tế-xã hội, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách có khả năng hấp thụ tốt, nhanh và tạo lan tỏa tốt như chi cho đầu tư hạ tầng đã hoàn thành cơ bản các thủ tục, nhất là các dự án có tính liên vùng, các chương trình trợ cấp, hỗ trợ người lao động.
Thứ ba, mở rộng không gian phát triển của nền kinh tế, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ và mở ra không gian mới, động lực mới cho sự phát triển vùng, phát triển các địa phương trong vùng và nền kinh tế quốc gia. Ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn thúc đẩy phát triển cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gắn liền với các vùng kinh tế trọng điểm xung quanh. Chú trọng mở ra một số tuyến và điểm đột phá phát triển như các tuyến hành lang kinh tế dọc các trục giao thông, các tuyến cao tốc, các khu kinh tế cửa khẩu.