Mỹ thất vọng với hiệu quả trừng phạt Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 04:30, 19/09/2022
Khi áp hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có với Nga, Mỹ cùng đồng minh hy vọng chúng sẽ nhanh chóng gây ra những tác động nghiêm trọng, khiến Điện Kremlin không thể duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine và thậm chí khiến dư luận chống lại cuộc chiến khi cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Nhưng nền kinh tế Nga đã cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn nhiều những gì mà quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng. Một trong những nguyên nhân chính là do Nga vẫn có nguồn thu kỷ lục trong mùa xuân và hè nhờ giá năng lượng tăng vọt.
Trong 100 ngày đầu cuộc chiến, Moskva đã thu về 93 tỷ USD nhờ xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch Phần Lan.
Một trạm bơm khí đốt gần biên giới Ukraine - Ba Lan hồi năm 2009. Ảnh: Reuters. |
Nền kinh tế Nga giảm khoảng 4% trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đó không phải là mức giảm 15% như nhiều người dự đoán trước đây.
"Chúng tôi đã kỳ vọng những thứ như SWIFT và các biện pháp trừng phạt với ngành ngân hàng sẽ tàn phá hoàn toàn nền kinh tế Nga. Chúng tôi từng nghĩ kinh tế Nga trong tháng 9 sẽ suy yếu hơn những gì đang xảy ra", một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, đề cập tới quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của Mỹ và các nước châu Âu.
Một quan chức cấp cao khác nói rằng nhiều người trong chính quyền Tổng thống Joe Biden từng hy vọng thấy nền kinh tế Nga hứng chịu tổn thất nhiều hơn hiện tại, do các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có. Dù các biện pháp trừng phạt đã mang tới "những cú sốc ban đầu" với Nga như đồng ruble lao dốc, giới chức chính quyền Mỹ thừa nhận nền kinh tế của Moskva có khả năng phục hồi nhanh chóng nhờ nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng.
Natasha Bertrand và Katie Bo Lillis, hai nhà phân tích của CNN, nhận định hiệu quả thực tế của các biện pháp trừng phạt khác với kỳ vọng là do Mỹ và phương Tây đánh giá thấp Nga, đặc biệt là doanh thu cao kỷ lục mà Moskva thu về từ giá dầu tăng và các thị trường mà Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu năng lượng thay thế phương Tây như Ấn Độ, Trung Quốc.
Dù là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Arab Saudi cũng đã mua dầu thô Nga với giá chiết khấu để sử dụng trong các nhà máy điện, trong khi bán dầu thô của họ cho các nước khác. "Mỹ đã đánh giá thấp điều đó và chúng tôi chậm chạp trong việc nghĩ tới triển khai các biện pháp ngăn Nga thu lợi từ xuất khẩu năng lượng", Jason Blazakis, chuyên gia về các biện pháp trừng phạt và từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
"Tôi nghĩ Mỹ đã tin rằng những biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn thương nền kinh tế Nga rất nhanh. Trên thực tế, lệnh trừng phạt đã thu hẹp nền kinh tế Nga, nhưng không đến mức như họ kỳ vọng. Và chắc chắn nó cũng không đến mức buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán", Blazakis nói thêm.
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu và khí đốt Nga khiến phương Tây chần chừ áp lệnh trừng phạt ngay lập tức với lĩnh vực năng lượng của nước này. Mỹ đã trừng phạt các giám đốc điều hành ngân hàng lớn của Nga như Gazprombank, nhưng không nhắm vào chính các ngân hàng đó và cho phép các giao dịch năng lượng với người Nga được tiếp tục.
"Chúng tôi đã cảnh báo châu Âu từ nhiều năm trước về việc cần phải từ bỏ năng lượng Nga, nhưng họ không sẵn sàng làm điều đó cho đến khi quá muộn", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Phương Tây cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, khi đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1. Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do hậu quả của khủng hoảng năng lượng. Để ngăn chặn nguồn doanh thu của Moskva, Liên minh châu Âu đã nhất trí cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển. Lo ngại những biện pháp như vậy có thể khiến giá dầu thế giới tăng vọt và tiếp tục giúp Nga tăng doanh thu, giới chức Mỹ đã vận động hành lang để áp giá trần dầu Nga.
EU nhất trí áp giá trần vào đầu tháng này, nhưng chưa rõ biện pháp đó được thực thi thế nào. Bất chấp nỗi thất vọng về hiệu quả nhanh chóng của loạt lệnh trừng phạt, giới chức Mỹ và châu Âu đều cho rằng lợi ích mà giá dầu cao mang lại cho nền kinh tế Nga không bền vững trong trung và dài hạn. Họ tin nền kinh tế Nga sẽ bắt đầu cảm nhận được tác động nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt vào nửa đầu năm 2023.
Một số lạc quan rằng suy thoái kinh tế Nga có thể bắt đầu từ cuối năm nay. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã cản trở khả năng sản xuất công nghệ và vũ khí mới của Nga, khiến Moskva gần đây phải tìm tới các nước như Iran để cung cấp máy bay không người lái, đạn dược.
"Chúng tôi luôn nghĩ rằng nền kinh tế Nga sẽ hứng những cú sốc ban đầu, sau đó Moskva sẽ tìm cách giảm thiểu tác động, nhưng những rào cản đối với nền kinh tế và sản xuất công nghiệp Nga đang xuất hiện ngày càng nhiều", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Quan chức này thêm rằng áp giá trần dầu mỏ là "con đường hiệu quả" để giải quyết một khía cạnh mà Nga nhận được quá nhiều lợi ích.
"Có ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt thất bại bởi họ đang thu được tiền từ dầu mỏ", một quan chức chính quyền Tổng thống Biden nói. "Nhưng họ đã kiếm được ít tiền hơn rất nhiều so với một năm trước và dầu khí giờ chiếm gần như toàn bộ nền kinh tế, khi các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác".
Các quan chức châu Âu đồng tình với nhận định này. "Điều khiến nước Nga trụ vững là giá dầu cao. Mọi thứ khác đã bị đóng băng", một quan chức nói. Giới chức Mỹ dự đoán sản lượng dầu Nga sẽ giảm theo thời gian, phần lớn do thoái vốn nước ngoài. Các công ty nước ngoài trong nhiều thập kỷ qua đã giúp duy trì ngành dầu mỏ Nga và giúp ngành năng lượng hoạt động hiệu quả. Và Mỹ tin giờ các công ty Nga sẽ gặp khó khăn để đảm trách nhiệm vụ này.
Nga có thể quay sang Trung Quốc để tìm kiếm hỗ trợ kinh tế. Ông Putin đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan tuần này. Dù Trung Quốc tăng cường mua dầu và lên tiếng ủng hộ Nga trên trường quốc tế, Bắc Kinh đến nay chưa làm gì để giúp Moskva né lệnh trừng phạt từ phương Tây. Đồng thời, Trung Quốc cũng chưa cho thấy dấu hiệu hỗ trợ trực tiếp cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Hệ thống đường ống từ Nga sang Trung Quốc không thể vận chuyển hết lượng khí đốt cắt giảm ở thị trường châu Âu, do đó khó có thể bù đắp thiệt hại mà Moskva phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt.
"Sẽ có những thiệt hại lâu dài đối với nền kinh tế Nga", giám đốc CIA Bill Burns phát biểu tại một hội nghị an ninh mạng tuần trước, đề cập tới hiệu quả của các lệnh trừng phạt. "Tôi nghĩ Nga sẽ phải trả một cái giá đắt trong thời gian dài".
(Theo VnExpress)