“Bình an” để tránh tổn thương mình và người khác
Du lịch - Ngày đăng : 08:53, 24/09/2022
“Tri thức” bao hàm sự hiểu biết các quy luật của cuộc sống, tâm lý cơ bản của hành vi, kỹ năng giao tiếp, hành xử trong các mối quan hệ xung quanh, giác ngộ và trân trọng hiện tại, từ đó biết ơn những gì mà mình đang có.
Theo tôi, hạnh phúc và bình an không đến theo cách tự nhiên, mà đó là kết quả của một quá trình trau dồi hiểu biết, làm giàu trí tuệ và rèn giũa nội lực.
Bình an sẽ hình thành khi chúng ta trải nghiệm đủ nhiều, chiêm nghiệm đủ sâu. Trải nghiệm gồm hai phần: những tác động từ bên ngoài và những suy ngẫm từ bên trong. Và phần trải nghiệm bên trong đặc biệt quan trọng. Mọi công việc, mọi sự tương tác với bên ngoài, khi trở về hãy dành thời gian để nghĩ về nó.
Điều này phần nào lý giải vì sao trạng thái bình an tỷ lệ thuận với độ tuổi. Càng có tuổi, người ta càng có xu hướng ít phán xét, dễ chấp nhận, khó bị tổn thương và ít làm tổn thương người khác hơn. Độ tuổi 15-30, vì còn nhiều lo lắng về gia đình, về công việc, về mong muốn được xã hội công nhận nên chưa thể bình an trọn vẹn. Song vẫn có cách để người trong độ tuổi này giảm bớt tổn thương và thấy cõi lòng nhẹ nhõm phần nào. Vì thế, tôi đưa ra ba lời khuyên:
Một: Bạn cần có một người thầy - một người giàu kinh nghiệm sống, để giúp bạn quan sát thế giới ở những góc độ khác nhau và thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp. Họ sẽ hướng dẫn bạn hoạch định tương lai cho bản thân, tránh khỏi chông chênh mơ hồ.
Hai: Đọc nhiều sách, trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, không ngừng học hỏi để gia tăng chất lượng đời sống tinh thần, cải thiện các mối quan hệ xung quanh.
Ba: Đừng e sợ phạm phải sai lầm, đừng lo lắng khi về già bạn sẽ đạt được những gì. Cứ học tập thật nhiều, làm việc thật chăm chỉ, sống hết mình vì tuổi trẻ và nhớ rằng bạn có quyền sai lầm. Đặc biệt, bất kể là khía cạnh nào - tài chính hay cảm xúc - cũng hãy cố gắng trở thành chỗ dựa vững vàng nhất cho bản thân.
Nói đến bình an mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau. Riêng tôi, bình an là không có bất cứ cái gì phiền nhiễu với mình. Bình an hoàn toàn khác với hạnh phúc.
Để hiểu hơn về khái niệm bình an, MC - nhà báo Nguyễn Quốc Khánh cũng cho rằng, hạnh phúc là cái gì đó có điều kiện hơn là khi mình có niềm vui, có đạt được cái gì đó thì người ta hạnh phúc. Nhưng đôi khi có hạnh phúc rồi nhưng mà để đạt được bình an thì chưa hẳn. Bởi vì hạnh phúc là cái gì đó nó có điều kiện. Còn bình an thì không cần điều kiện.
Có thể là sự bình an đó không cần điều kiện ở bên ngoài mà nó khởi từ bên trong. Và “cái bên trong” con người sẽ đến từ sự chấp nhận. Khi con người cứ bị phiền não, lấn cấn một cái gì đó và chưa chấp nhận được sự thật hoặc chưa chấp nhận được điều đó đang xảy ra với mình, ví dụ như một công việc mình đang làm, một mối quan hệ mình đang ở trong đó, một cơ hội nào đó đến không như ý... sẽ khiến mình phiền não. Chỉ khi nào chấp nhận được, xem nó là một phần của cuộc hành trình này và chỉ khi nào mình chấp nhận được, thì mới cảm thấy bình an.
Theo Dr Biên Trương: “Trong cuộc sống, sự bình an rất quan trọng bởi nó giúp mình không làm tổn thương người khác. Và để mình không làm tổn thương người khác thì bản thân mình không bị tổn thương.
MC Quốc Khánh chia sẻ thêm, phần lớn điều khiến cho con người bất an đến từ mối quan hệ giữa người với người, cho nên câu nói hoặc cách hành xử sẽ quyết định rất lớn. Để không làm tổn thương người khác thì trước hết mình hãy “thử” hành xử với chính mình để xem việc mình làm có đang làm tổn thương chính mình không. Bản thân mình đã đối xử với cái tôi của chính mình như thế nào và ngoài việc không làm người khác tổn thương thì làm sao để trung thực với mình nhất?
Để được bình an thì bạn phải thực sự biết con người thật của mình là thế nào và chấp nhận con người đó. Khi biết được “tôi” như thế và mong muốn khát khao thay đổi bản thân, hướng đến điều tích cực sẽ giúp bạn biết hành xử với chính bản thân mình và dẫn bạn đến bình an. Khi mình làm được những điều mong muốn thì niềm vui tích tụ dần, dẫn đến những hạnh phúc.
Tôi có một người bạn đã về quê trồng rau, nuôi cá luôn. Thu nhập của anh bạn so với lúc ở Sài Gòn không nhiều bằng, nhưng anh bạn nói với tôi là anh cảm thấy bình an hơn rất nhiều so với hồi xưa đi làm ở Sài Gòn. Cho nên sự bình an thực sự với mỗi cá nhân là phải hiểu mình cần cái gì và cuộc sống như thế nào sẽ mang lại sự bình an cho mình. Còn nếu lấy chuẩn của người khác để áp cho mình thì rất dễ bị bất an.
Theo Quốc Khánh, sự trải nghiệm cũng rất quan trọng để mang đến bình an. Thực tế rằng, người nào đi càng nhiều thì cái tôi càng xuống và khi cái tôi càng thấp xuống thì họ nhìn cuộc đời khác hơn rất nhiều. Họ có xu hướng bỏ bớt nhiều cái tham lam sân si và nhìn thấy thế giới rộng hơn. Nếu không trải nghiệm, chỉ quanh quẩn xoay quanh cái ao làng thì những phiền toái, những vấn đề của riêng mình sẽ làm bạn phiền não mãi không thôi.