Lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:43, 26/09/2022
Không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam
Trong buổi toạ đàm đầu tư "Dòng tiền" tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết lãi suất huy động đang tăng nhẹ (0,5 - 1,5 điểm %) sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành trong ngày 23/9. Lãi suất cho vay cũng chịu áp lực tăng, nhưng chỉ ở một số phân khúc, thời điểm đối với một số khách hàng tùy vào khoản vay, khách hàng, thời hạn...
Ông Cấn Văn Lực nhận định năm 2023, nền kinh tế sẽ khó khăn hơn do xu hướng lạm phát, lãi suất cao trên toàn cầu và các nền kinh tế châu Âu gặp khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, dự báo cho giai đoạn 2024 - 2030, ông Lực nhận thấy về cơ bản, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt ở mức 6%, là mức cao hàng đầu trong khu vực.
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động trong những tháng qua, tuy nhiên, theo Bloomberg đánh giá, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm nay với mức dự báo tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu của thị trường là 19,89% trong năm 2022.
Theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ổn định. |
Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, định giá chứng khoán Việt Nam đang ở trong vùng thấp nhất, là cơ hội để đầu tư vào thị trường nhằm hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Tuấn - đại diện Công ty TNHH quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới, khi tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại lớn trong năm 2022. Đây là nguồn ngoại tệ lớn giúp Việt Nam tăng cường dự trữ ngoại tệ, từ đó ổn định giá trị đồng tiền nội tệ. Trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới, chỉ khoảng 3,6% tính đến giữa tháng 9. Việc này sẽ tác động trở lại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư FDI trong thời gian tới.
Ngoài ra, các yếu tố như lạm phát được kiểm soát tốt, xuất khẩu tăng trưởng, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh, đồng thời việc đẩy mạnh đầu tư công để thu hút vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia càng củng cố thêm khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán trong tương lai.
Thời gian đầu tư quan trọng hơn thời điểm
Ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc đầu tư Quản lý quỹ Manulife Investment (Manulife IM) phân tích thị trường chứng khoán phản ánh mối cung cầu trên thị trường, mà cung cầu lại do nhiều yếu tố chi phối.
Trong ngắn hạn, do các thành viên tham gia thị trường rất đa dạng với nhất nhiều kỳ vọng khác nhau nên các yếu tố tâm lý, hành vi thường chiếm ưu thế, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam, khi phần đông các thành viên tham gia giao dịch ngắn hạn trên thị trường và dùng đòn bẩy tài chính lớn.
Toàn cảnh tọa đàm đầu tư "Dòng tiền". |
Ông Hải cho biết thêm, nếu lãi suất tăng lên thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng theo. Các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi đầu tư vào những kênh rủi ro, điều đó làm giảm dòng tiền đầu tư. Đối với doanh nghiệp, lãi suất tăng sẽ khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng theo, doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận và phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Về tổng thể, môi trường lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.
Trong thời điểm thị trường nhiều biến động, ông Hải nhận định nhà đầu tư cần nhớ rằng thời gian đầu tư trong thị trường quan trọng hơn việc cố gắng lựa chọn thời điểm tốt nhất để tham gia thị trường. “Nếu nhìn vào sự gia tăng tài sản của các chủ doanh nghiệp chúng ta sẽ thấy, những người chủ doanh nghiệp tích lũy được tài sản lớn thường là những người ít giao dịch và chỉ tập trung vào việc phát triển kinh doanh để mang lại giá trị lâu dài”, ông Hải nói.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Tuấn, trong giai đoạn kinh tế phục hồi và tăng trưởng, có một số ngành nghề được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực mà các nhà đầu tư nên quan tâm. Cụ thể, đó là các ngành nghề hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như đầu tư phát triển khu công nghiệp, điện – nước, cơ sở hạ tầng, logistics…; ngành bán sỉ và bán lẻ; ngành du lịch và dịch vụ hàng không.