Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: "Hoàn thiện chính sách, linh hoạt cơ chế"
Trong nước - Ngày đăng : 05:24, 27/09/2022
Phối cảnh trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP HCM sẽ hoàn thành quý II/2022 |
Cụ thể, trong khoảng thời gian đó, cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 600 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn; ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ 20 DN tiếp cận nguồn vốn mạo hiểm.
Nhiều lợi thế
Theo đánh giá của các chuyên gia, TP.HCM hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành thành phố khởi nghiệp.
Theo phân tích của ông Hàng Nhật Quang - Tổng giám đốc Công ty CP Green Portal, Tổng thư ký Câu lạc bộ Các nhà kinh tế, TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế lớn cả nước, có lịch sử phát triển kinh tế lâu đời, tư duy và văn hóa kinh doanh của người dân thành phố đã được xác lập từ lâu.
TP.HCM được xem như "trái tim" của miền Nam, dễ dàng kết nối với các khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên... với các tuyến giao thông huyết mạch như đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không. Vị trí địa lý đặc biệt giúp kinh tế thành phố nhanh chóng hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới.
TP.HCM cũng là địa phương có số lượng DN đang hoạt động lớn nhất cả nước. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, TP.HCM có khoảng 268.000/866.000 DN đang hoạt động, chiếm 31%. Số lượng DN đang hoạt động tại TP.HCM ngày càng tăng cho thấy TP.HCM có môi trường tốt, thuận lợi.
Số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng cho thấy, 109/200 DN đang hoạt động liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Trong 4.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước, TP.HCM chiếm hơn 50%.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, chính quyền thành phố đã chủ động hỗ trợ ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Incubate); hỗ trợ tổ chức các sự kiện kết nối, truyền thông hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Connect); hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Speedup); hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho DN (RD&I); hỗ trợ DN về năng suất, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ và đổi mới sáng tạo (BCBuild); hỗ trợ huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Inspire); hỗ trợ trình diễn công nghệ (Tech-demo); hỗ trợ kết nối cung - cầu công nghệ "Cà phê công nghệ” (Tech-coffee)...
Trong số đó, điển hình là giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo I-Star do UBND TP.HCM chủ trì - một thương hiệu uy tín trong cộng đồng khởi nghiệp cả nước. Năm 2020, TP.HCM được Startup Genome 2020 xếp thứ 19/100 hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về nguồn nhân lực, thành phố là nơi tập trung nguồn nhân lực lớn của đất nước, với 53 trường đại học và 49 trường cao đẳng, chiếm tỷ trọng 22,17% cả nước.
Về tài chính, theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay có khoảng 110 ngân hàng trong nước và quốc tế có trụ sở hoặc chi nhánh tại TP.HCM, cùng 72 quỹ đầu tư mạo hiểm, là kênh cung cấp vốn cho các DN và các startup.
Ngoài những yếu tố trên, các trung tâm ươm tạo, các trung tâm đào tạo khởi nghiệp đang hoạt động đều có nhiều chương trình hay và thiết thực cho các startup, giúp các startup tại TP.HCM có những ưu thế vượt trội.
Các dự án công nghệ cao được chú trọng đầu tư |
TP.HCM là "nôi" của cộng đồng khởi nghiệp
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thành phố vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp cả nước. Tổng số vốn đầu tư mà các startup thu hút được là hơn 1,1 tỷ USD, tương đương 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, thực tế cho thấy các mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công đều dựa trên sự hợp tác và chia sẻ. Do vậy, việc triển khai xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ theo phương châm "mỗi cơ sở ươm tạo là một khách hàng".
Hiện chương trình Speedup có 2 dự án được nhà đầu tư mua lại với định giá tăng 1,1-1,5 lần và đã trả lại kinh phí hỗ trợ của Nhà nước; có 3 dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho Nhà nước; có 6 dự án huy động được từ các quỹ đầu tư gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của chương trình. Chương trình Speedup đang hỗ trợ cho 61 dự án, tổng giá trị định giá khoảng 29,9 triệu USD, phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ vào khoảng 1,84 triệu USD (6,1%).
Trong kế hoạch triển khai "Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025" đã được UBND TP.HCM ban hành, mục tiêu sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 600 DN trên địa bàn; ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ 20 DN tiếp cận nguồn vốn mạo hiểm. Qua đó phát triển các sản phẩm chủ lực của TP.HCM, góp phần nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45-50%.
Kế hoạch đề ra được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển loại hình DN tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.
Những mô hình thành công mà TP.HCM có thể học tập
Việc học tập từ kinh nghiệm của các nước là cần thiết để giúp TP.HCM có thể tiết kiệm thời gian và hạn chế sai lầm khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Quang, không có gì là tuyệt đối, cần phải vận dụng một cách linh hoạt tùy thuộc vào mục tiêu và điều kiện thực tế của TP.HCM. Trên thế giới, TP.HCM có thể xem xét mô hình của London (Anh); New York (Mỹ); Seoul (Hàn Quốc); Thượng Hải (Trung Quốc) hay là Singapore...
Trong khi đó, ông Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam dẫn ra sáng kiến Digital Hub ở Đức hỗ trợ thành lập các trung tâm kỹ thuật số trên cả nước. Theo ông Ngọc, Digital Hub kết nối các công ty khởi nghiệp tại Đức với quốc tế theo mô hình của "thung lũng Silicon". Các trung tâm này không chỉ thúc đẩy kết nối, hợp tác mà còn đóng vai trò nền tảng để tham gia đối thoại với các nhà lãnh đạo thị trường toàn cầu và các nhà đầu tư nước ngoài.
Hay như bài học từ Singapore khi thành lập khu JTC LaunchPad@one-north với nhiều DN khởi nghiệp và nhiều dịch vụ hỗ trợ đi kèm như dịch vụ tư vấn pháp luật và đầu tư... đã cung cấp cho các DN khởi nghiệp môi trường hiệu quả và hệ sinh thái phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, Singapore còn thành lập khu JTC LaunchPad@JID, tập trung hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp phát triển trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, chế tạo tiên tiến...
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, những thành phố đã xây dựng thành công mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều có những điểm chung, đó là đều có những cơ quan chuyên hỗ trợ DN khởi nghiệp từ chính phủ, với những chính sách đặc thù đáp ứng đúng nhu cầu.
Chẳng hạn như đầu tư mạnh về tài chính để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ví dụ, từ năm 2011-2015, chính phủ Singapore đã dành hơn 11 tỷ USD để tăng cường nghiên cứu, đổi mới và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Các quốc gia này cũng luôn tạo điều kiện tối đa để phát triển cơ sở hạ tầng, xem hạ tầng là huyết mạch của nền kinh tế, giúp các DN khởi nghiệp kết nối, phát huy lợi thế trong quá trình phát triển. Song song đó, chính phủ tập trung hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ DN, đẩy mạnh việc đầu tư từ gốc như phát triển cộng đồng nghiên cứu, cộng đồng kinh doanh đến từ các trường đại học để khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực, phát triển sự sáng tạo, năng động của tuổi trẻ trong khu vực này.
Ngoài ra, các chính phủ này cũng có chính sách hỗ trợ cho các vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo nhu cầu từng thời điểm của DN một cách rõ ràng, công khai.