Doanh nghiệp có lao động lại thiếu việc làm
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 28/09/2022
Đơn hàng giảm mạnh
"Thay vì giống các ngành khác DN họ thiếu lao động. Họ có đơn hàng nhưng thiếu người làm thì ngành may (gia công) có người làm lại thiếu đơn hàng. Khoảng từ tháng 8 đến nay, lượng đơn hàng của các DN trong ngành may gia công sụt giảm nghiêm trọng, khoảng hơn 70%. Thậm chí nhiều DN chuyên may gia công hàng xuất khẩu còn không có đơn để cho công nhân làm việc", ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony khẳng định và cho biết, hiện ngành may gia công đang đối diện tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng nên phải cắt giảm lực lượng lao động.
Theo ông Quang Anh - Giám đốc Công ty Dony, năm nay dù hợp đồng đã ký đến cuối năm, nhưng các công ty cung cấp thông báo thay đổi kế hoạch đơn đặt hàng, những dự kiến trước đây đã thay đổi giảm 1/2 hoặc chưa tới 1/2 so với lượng đơn hàng đã đặt, trong khi đó nhân sự đã chuẩn bị dồi dào khiến hàng loạt DN may gia công xuất khẩu lâm vào tình cảnh "như lửa đốt" vì thiếu việc làm cho người lao động.
Các DN may gia công xuất khẩu ở khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam cũng thừa nhận, một trong những thị trường xuất khẩu của các DN may gia công có tính ổn định cao là Nhật Bản, số lượng đơn hàng cũng sụt giảm, thậm chí thị trường châu Âu vốn được xem là đơn hàng luôn dồi dào cũng giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ công ty Linestyle ở huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết thêm, gần như các DN may chuyên gia công hàng xuất khẩu đều không có hàng cho công nhân làm. "Hiện tại, đơn hàng chỉ còn khoảng 50% và ngày càng ít đi. Tháng sau, chúng tôi không còn đơn hàng cho công nhân làm việc chứ đừng nói gì đến cuối năm hay năm sau. Tình cảnh này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ mới kết thúc, trong khi vẫn phải đảm bảo thu nhập tối thiểu từ 8 triệu đồng/người/tháng cho đội ngũ công nhân của DN", ông Chiến nói và cho biết, DN ông chuyên may gia công hàng xuất khẩu Nhật Bản nên thêm "khó khăn kép" khi đồng yên giảm khoảng 20% so với tỷ giá đô la Mỹ.
Tình trạng này xảy ra cả với những DN hoạt động trong lĩnh vực hàng trang trí nội thất, đồ gỗ, da giày, logistics... Bà Ngô Thị Liên - đại diện một DN cung ứng dịch vụ logistics đi các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc khẳng định, đơn hàng vận chuyển của DN bà đi xuất khẩu sụt giảm khoảng 60-70% so với năm ngoái.
Nhiều DN hoạt động tại các KCX-KCN TP.HCM cũng thừa nhận đang đối diện nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Đại diện một DN da giày ở KCX Linh Trung (TP. Thủ Đức) cho biết, hiện DN có hai chuyền sản xuất không còn hàng để làm. Ban giám đốc công ty này dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 500-700 lao động của hai chuyền này. Trong khi đó, tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM), chuyên sản xuất, lắp ráp cụm linh kiện cho máy công nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu... do khan hiếm đơn hàng nên có một xưởng với khoảng 300 lao động chỉ đi làm đủ 8 giờ/ngày chứ không tăng ca.
Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng Việt (TP. Thủ Đức, TP.HCM), ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc công ty cho biết với mức giảm trên 30%. "Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất rủi ro cho các nhà sản xuất Việt Nam vì chi phí sản xuất vẫn phải duy trì, lãi suất vẫn phải trả”, ông Sang nói.
Thậm chí, do tình hình đơn hàng giảm trầm trọng, nhiều công ty gỗ nội thất, may mặc... phải tạm đóng cửa hoặc dừng hợp đồng với những nhân viên hết thời hạn hợp đồng.
Xoay sở tìm việc làm cho công nhân
Theo ông Chiến, hiện DN ông đang duy trì cho công nhân của công ty mỗi tuần làm 2-3 ngày. Hiện DN trong lĩnh vực này đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm nguồn hàng cho công nhân làm việc vừa phải đảm bảo duy trì thu nhập tối thiểu cho người lao động.
Còn với ông Trần Chí Dũng - chủ một DN (xin giấu tên) suốt hơn tuần nay ông phải "chạy đôn chạy đáo", tìm mọi cách liên hệ với các DN may gia công khác để hỏi thăm hàng, thậm chí chấp nhận lấy hàng với giá rẻ để về cho công nhân có việc làm "cầm cự" nhưng cũng tìm không ra.
Hay như Công ty TNHH Fly High Garment (Phan Huy Ích, Gò Vấp, TP.HCM) phải cho công nhân nghỉ chờ việc suốt tháng 8/2022 vì không có đơn hàng. Bước sang tháng 9, tình hình khá hơn nhưng công ty cũng chỉ sản xuất hàng may mặc, hàng dệt gia dụng... cầm chừng, không tổ chức tăng ca cho công nhân để đảm bảo có nguồn hàng cho nhân viên làm lâu hơn.
Bà Liên cho biết, DN bà đang thay đổi chính sách bán hàng để có thể lấy được nhiều hàng hơn từ các công ty cần vận chuyển. "Trước đây, các DN có khi phải cầu cạnh công ty logistics miễn sao đơn hàng đi an toàn, đúng kỳ hạn giao cho đối tác. Bây giờ, miễn sao có lời là nhận vận chuyển", bà Liên nói và cho biết, ngoài ra để có vốn lưu động, DN bà sẽ phải thực hiện giảm thời gian công nợ cho khách.
Đại diện Công ty Bảo Hưng (Bình Dương) cho biết đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nội thất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc - nơi ít bị ảnh hưởng của lạm phát hơn các nước khác để đảm bảo nguồn hàng cho công nhân đủ việc làm trong bối cảnh hiện nay.
"Trong tình hình này, DN có thể phá sản bất cứ lúc nào", ông Chiến buồn rầu chia sẻ.