Ngân hàng vẫn phải “co kéo” khi được nới room tín dụng

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:00, 28/09/2022

Như dự báo trước đó, các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới thêm room tín dụng trong tháng 9 này. Dù vậy, mức độ điều chỉnh ấy dường như vẫn chưa đạt kỳ vọng, khiến không ít nhà băng vẫn phải "co kéo" khi cho vay.
-1467-1664268667.jpg

NHNN nhất quán trong chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng

Chờ đợi được phân bổ room tín dụng nhiều hơn

Các ngân hàng được phân bổ thêm room tín dụng đều thuộc nhóm có tỷ lệ an toàn vốn và chất lượng tài sản đảm bảo, khả năng quản trị rủi ro cao, cũng như tham gia quá trình hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém. Trong đó, Sacombank được tăng room cao nhất là 4%, một số ngân hàng được cấp thêm từ 2,7-3,5%, cũng có những ngân hàng chỉ được nới thêm ở mức dưới 1%.

Với sự "nới room" khiêm tốn như trên đã khiến không ít ngân hàng thất vọng, khi mức cho vay tăng thêm gần như không thay đổi đáng kể. Hệ quả là nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp (DN) đã bước vào giai đoạn khôi phục hoạt động và đẩy mạnh tăng trưởng nên cần vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, những ngân hàng được nới room rộng hơn cũng phải tìm cách "co kéo", lựa chọn khách hàng vay, trong bối cảnh cầu tín dụng hiện nay lớn hơn nhiều so với nguồn vốn mà các TCTD có thể cho vay. Nhiều ngân hàng thời gian qua đã phải tăng cường thu hồi, tất toán các khoản vay cũ để có thêm tiền cho vay khách hàng mới, cũng như tìm cách xoay chuyển dòng vốn nhanh hơn.

Theo giới phân tích tài chính, việc điều chỉnh room tín dụng chỉ mới đơn thuần giúp khơi thông phần nào nguồn vốn bị "tắc nghẽn" thời gian qua, trong đó có những khách hàng đã ký hợp đồng vay nhưng chưa được giải ngân vì ngân hàng đã hết room tín dụng. Chỉ tiêu phân bổ thêm room thấp như vậy, đối với nhiều ngân hàng là chưa đáp ứng được chiến lược kinh doanh trong giai đoạn cuối năm, cũng như chưa thể giải tỏa hết "cơn khát vốn" của DN và người dân.

Do đó, có lẽ sẽ còn thêm một đợt nới room nữa trong năm nay. Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/8/2022 đạt 9,91% so với đầu năm, theo đó dư địa tăng trưởng toàn ngành còn lại 5% theo kế hoạch tăng trưởng cả năm là 14%, trong khi mức phân bổ thêm tín dụng cho các ngân hàng vừa qua đều dưới mức 5%. Theo ước tính, lượng room tín dụng được phân bổ trong đợt vừa qua mới chỉ đạt 175.000-200.000 tỷ đồng, vẫn còn khoảng hơn 200.000 tỷ đồng room tín dụng chưa được NHNN phân bổ.

Những ảnh hưởng

Tại phiên thảo luận tổng thể thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 diễn ra ngày 18/9/2022, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, năm nay NHNN đưa ra mục tiêu từ đầu năm là 14%, cao hơn năm 2020 và 2021 lần lượt 12,17% và 13,61%. 

Nhìn vào bối cảnh nền kinh tế hiện nay, dễ hiểu vì sao NHNN lại thận trọng giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022 cho đến việc phân bổ thêm room tín dụng một cách nhỏ giọt. Trước áp lực lạm phát, tỷ giá khó lường, chính sách của NHNN cũng phải "co kéo" giữa nhiều mục tiêu cùng lúc. 

Áp lực tăng trưởng tín dụng luôn cao trong nhiều năm gần đây, cao hơn tăng trưởng kinh tế. 10 năm qua, quy mô kinh tế tăng 2,7 lần, còn quy mô tín dụng tăng 4,4 lần. Tức là tỷ lệ tín dụng/GDP tăng từ 80% lên trên 124%, ngưỡng "cần chú ý” theo cảnh báo của các tổ chức tài chính quốc tế.

Cũng theo Phó thống đốc Phạm Thanh Hà, áp lực tăng trưởng tín dụng luôn cao trong nhiều năm gần đây, cao hơn tăng trưởng kinh tế. Ông dẫn chứng, 10 năm qua, quy mô kinh tế tăng 2,7 lần, còn quy mô tín dụng tăng 4,4 lần. Tức là tỷ lệ tín dụng/GDP tăng từ 80% lên trên 124%, ngưỡng "cần chú ý” theo cảnh báo của các tổ chức quốc tế.

Việc nới room tín dụng một cách chừng mực như đã nói có thể trước mắt  không gây quá nhiều sức ép lên mặt bằng lãi suất tiền gửi, vốn đã liên tục đi lên trong nhiều tháng qua, nhất là đặt trong bối cảnh giá trị của tiền đồng đang đối mặt thử thách trước sự tăng giá mạnh của đồng USD ở nhiều nơi trên thế giới.

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu phân bổ tín dụng tăng thêm một cách hạn hẹp có thể kéo theo lãi suất cho vay tăng mạnh trong thời gian tới, khi cầu tín dụng vượt trội so với lượng cung mà các ngân hàng có thể đáp ứng, đặc biệt khi chi phí vốn đầu vào của hầu hết ngân hàng đã tăng dần từ đầu năm đến nay.

Chỉ tiêu phân bổ thêm thấp như trên cũng sẽ gây khó khăn cho động lực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% tại các ngân hàng. Rõ ràng khi dư địa cho vay thêm quá thấp, các nhà băng càng ưu tiên cho vay những lĩnh vực có biên độ lợi nhuận tốt hơn thay vì rót vốn vào các chương trình cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, không loại trừ khả năng NHNN sẽ xem xét các ngân hàng có thật sự triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với phần tín dụng mới được mở thêm gần đây hay không, từ đó làm căn cứ cho đợt phân bổ room còn lại trong năm nay. 

Anh Khoa