Cuộc khủng hoảng kế tiếp?
Quốc tế - Ngày đăng : 03:34, 28/09/2022
Suy thoái hiển hiện
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 0,5%, GDP bình quân đầu người giảm 0,4% vào năm 2023 và điều này đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong tình huống tồi tệ nhất, theo WB các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế phát triển và mới nổi giảm tăng trưởng.
Vào đầu tháng 6 năm vừa qua, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,9%, từ mức 4,1% đưa ra hồi tháng 1.
Nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc mạnh nhất kể từ năm 1970 và niềm tin của người tiêu dùng thậm chí còn giảm mạnh hơn so với các giai đoạn tiền suy thoái trước đó. Nếu nó biến thành một cuộc suy thoái toàn diện trong những tháng tới, các biện pháp giải quyết truyền thống sẽ khó lòng áp dụng được trong lần này, nhất là khi việc hạ lãi suất tiền vay để hỗ trợ tăng trưởng gần như không thể thực hiện được trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay.
Trong quý II/2022, kinh tế toàn cầu đã thu hẹp lần đầu tiên kể từ năm 2020. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Eurozone đã giảm tốc mạnh, trong bối cảnh xung đột quân sự tại Ukraine kéo theo hàng loạt động thái trừng phạt lẫn nhau giữa phương Tây và Nga, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, trong khi chính sách "Zero Covid" chống đại dịch của Trung Quốc cũng ảnh hưởng lên kinh tế thế giới.
Khủng hoảng nợ và bất ổn thị trường tài chính
Đáng lưu ý là viễn cảnh suy thoái sẽ càng đẩy tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu gia tăng, đặc biệt ở các thị trường mới nổi. Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu - một thước đo được sử dụng rộng rãi để đánh giá khả năng trả nợ của bên đi vay, đã tăng lên mức 350% trong quý II/2022. Ở các thị trường mới nổi, tỷ lệ này tăng mạnh hơn, gần 3,5 điểm phần trăm, lên 252% GDP, phản ánh tác động của sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu nhích lên dù tổng nợ của toàn cầu tính theo đồng đô la Mỹ đã giảm 5.500 tỷ USD, xuống còn 300.000 tỷ USD trong quý II, mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ năm 2018. Tổng nợ toàn cầu suy giảm chủ yếu là do đồng đô la Mỹ tăng gần mức cao nhất trong 20 năm qua so với các đồng tiền lớn khác, cũng như phát hành trái phiếu vay nợ chậm lại.
Trong quý II vừa qua, kinh tế toàn cầu đã thu hẹp lần đầu tiên kể từ năm 2020. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Eurozone đã giảm tốc mạnh, trong bối cảnh xung đột quân sự tại Ukraine kéo theo hàng loạt động thái trừng phạt lẫn nhau giữa phương Tây và Nga, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lại đứt gãy, trong khi chính sách "Zero Covid" chống đại dịch của Trung Quốc cũng ảnh hưởng lên kinh tế của thế giới.
Trước tình hình ấy, các vụ phá sản doanh nghiệp sẽ gia tăng do chi phí vay ngày càng tăng khi chính sách tiền tệ thắt chặt trở lại. Điều này sẽ khiến NHTƯ nhiều nước gặp khó khăn trong nỗ lực "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế để tránh gây tác động bất lợi trên thị trường việc làm.
Lộ trình thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khiến giới đầu tư lo lắng về một cuộc khủng hoảng sẽ nổ ra đối với trái phiếu kho bạc. Trong tháng 9 này, FED sẽ tăng gấp đôi tốc độ loại bỏ trái phiếu kho bạc Mỹ ra khỏi bảng cân đối kế toán, gây ra những lo ngại thanh khoản trên thị trường trái phiếu vốn mỏng manh giờ sẽ càng sụt giảm mạnh hơn nữa.
Các chuyên gia kinh tế cũng tin rằng, tình trạng thanh khoản sụt giảm của thị trường trái phiếu kho bạc đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu, thậm chí mối đe dọa này còn lớn hơn cả bong bóng nhà đất giai đoạn 2004-2007.
Giống như USD được xem là đồng tiền dự trữ, trái phiếu kho bạc Mỹ là tài sản dự trữ toàn cầu. NHTƯ các nước cần sử dụng đồng USD để hỗ trợ giao dịch thương mại quốc tế đều nắm giữ một lượng trái phiếu kho bạc Mỹ nhất định, vì vậy nó có vai trò rất quan trọng trong hệ thống tài chính quốc tế. Lợi suất của loại tài sản này được xem là thước đo chuẩn cho các khoản vay trị giá hàng nghìn tỷ USD, trong đó phần lớn là nợ thế chấp. Vì vậy, sự bất ổn của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ có thể trở thành nơi "ươm mầm" khủng hoảng tài chính.