USD tăng giá, dự trữ ngoại hối nhiều nước bị bào mòn
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 29/09/2022
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Standard Chartered cho biết, chỉ số theo dõi dự trữ ngoại hối - đo bằng số tháng mà một nước có thể dùng để nhập khẩu hàng hóa, đã giảm về 7 với nhóm nước mới nổi ở châu Á (trừ Trung Quốc). Con số này hiện thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giảm còn chưa đến 50% chỉ trong vòng hai năm qua là đáng báo động.
Tính riêng từng nước, dự trữ tương đương 9 tháng nhập khẩu tại Ấn Độ, 6 tháng tại Indonesia, 8 tháng tại Philippines và 7 tháng tại Hàn Quốc. Cụ thể, kho dự trữ của Ấn Độ và Thái Lan đã giảm lần lượt 81 tỷ USD và 32 tỷ USD trong năm nay. Con số này với Hàn Quốc là 27 tỷ USD, Indonesia là 13 tỷ USD và Malaysia là 9 tỷ USD. Theo số liệu của Bloomberg, Thái Lan ghi nhận mức giảm dự trữ ngoại hối trên GDP mạnh nhất. Theo sau là Malaysia và Ấn Độ.
Trong bối cảnh đồng tiền liên tục xuống mức thấp kỷ lục trước sự mạnh lên của đồng USD, do FED thắt chặt chính sách tiền tệ và liên tục tăng lãi suất, NHTƯ nhiều nước châu Á đã phải sử dụng nguồn lực dự trữ ngoại hối để bảo vệ nội tệ. Một nguyên nhân khác khiến khối dự trữ giảm là USD mạnh lên khiến giá trị của các đồng nội tệ quy đổi sang USD thấp hơn.
Trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu, các nước nói trên buộc phải hạn chế sự mất giá của đồng nội tệ để trả chi phí nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao, cũng như giảm bớt sức ép lên lạm phát. Trong khi các thị trường mới nổi lớn hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil có vị thế tốt để vượt qua cơn khủng hoảng này, thì nhiều nước khác lại đang "đau đầu" với tình huống này.
Đơn cử như Cộng hòa Czech đã sử dụng 15% dự trữ ngoại hối trong năm nay và Hungary cũng ghi nhận dự trữ ngoại hối giảm 19%. Đồng forint của Hungary đã giảm gần 30% so với đồng USD trong năm nay. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Ai Cập giảm 26%, xuống còn 24 tỷ USD vào cuối tháng 7, chỉ đủ để chi cho hơn 3 tháng hóa đơn nhập khẩu.
Tốc độ suy giảm dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh nhất kể từ năm 2008 làm gia tăng rủi ro vỡ nợ, nhất là khi thị trường trái phiếu toàn cầu đã "đóng băng" đối với nhiều quốc gia đang phát triển, cắt họ khỏi một kênh quan trọng để huy động vốn. Chẳng những vậy, lãi suất tại nền kinh tế số một thế giới là Mỹ liên tục tăng, kéo theo lợi suất trái phiếu Mỹ đi lên cũng khiến trái phiếu của các nước khác trở nên kém hấp dẫn hơn.
Pakistan và Ghana gần đây đang phải đàm phán các gói giải cứu với IMF khi dự trữ ngoại hối của họ lần lượt giảm 33% và 29% trong năm nay. Sri Lanka là một ví dụ minh họa cho rủi ro khủng hoảng nợ khi tiếp cận IMF quá muộn, có thể khiến một nước đi đến mức hoàn toàn không còn nguồn dự trữ ngoại hối để sử dụng.
Ở hầu hết các nước, phần lớn dự trữ dưới dạng USD do đồng tiền này được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch thanh toán quốc tế, kế tiếp là euro và yên Nhật. Dù vậy, có những quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối sang vàng hoặc các loại ngoại tệ khác, tránh phụ thuộc quá mức vào đồng USD để đề phòng trường hợp bị cấm vận, mà Nga là một ví dụ.
Để đánh giá mức độ an toàn của dự trữ ngoại hối, các tổ chức thường sử dụng tiêu chí như tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối và giá trị một tuần nhập khẩu trong năm tiếp theo. Nói cách khác, quy mô dự trữ ngoại hối được tính bằng số tuần nhập khẩu. Theo đánh giá của IMF, dự trữ ngoại hối có quy mô tương đương 12-14 tuần nhập khẩu thì một quốc gia sẽ được xem là đủ dự trữ ngoại hối.
Đáng lưu ý là bên cạnh sự sụt giảm dự trữ ngoại hối của nhiều nước, vẫn có quốc gia tăng được nguồn này như Iraq. Theo thông tin từ NHTƯ Iraq, dự trữ ngoại hối của nước này từ mức 80 tỷ USD hiện nay, trong đó dự trữ vàng đã tăng lên hơn 131 tấn, dự kiến sẽ tăng hơn 12% lên 90 tỷ USD vào cuối năm nay, nhờ giá dầu thô ngày càng gia tăng trên thị trường quốc tế.