Doanh nhân - Tổng đốc Hoàng Trọng Phu: Người khôi phục và đưa thương hiệu thủ công Việt Nam ra thế giới (Kỳ 2)

Chân dung - Ngày đăng : 08:00, 29/09/2022

Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu là một doanh nhân đặc biệt nửa đầu thế kỷ XX. Xuất thân từ tầng lớp quan viên triều Nguyễn, ông lại hướng đến việc kinh doanh nghề thủ công truyền thống, chấn hưng thực nghiệp, khai mở dân trí cho người dân Hà Đông. Những đóng góp của ông không chỉ tác động vào phương diện kinh tế mà còn tác động vào phương diện chính trị của Việt Nam thời kỳ đó.
-9165-1664350775.jpg

Gia đình Tổng đốc Hoàng Trọng Phu

Khác với các doanh nhân đương thời như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Hữu Thu...những người làm giàu từ các ngành công nghiệp được người Pháp du nhập vào Việt Nam, Hoàng Trọng Phu chọn ngành sản xuất thủ công truyền thống của Việt Nam để làm giàu không chỉ cho bản thân mà còn cho người dân bản xứ. Tình yêu với nghề thủ công Việt Nam đã thúc đẩy Hoàng Trọng Phu tiến bước vào thương trường đầu thế kỷ XX, để rồi từ đó đưa thương hiệu hàng thủ công Việt Nam ra thị trường thế giới. 

-7506-1664350775.jpg

Ấp Hà Đông Đà Lạt xưa

Để đạt được thành công trong kinh doanh, Hoàng Trọng Phu đã xây dựng  hệ thống quản lý kinh doanh bền vững giữa các làng nghề trong tỉnh Hà Đông. Tác phẩm Lịch sử Đảng bộ quận Hà Đông (1926-2010) đã trích đánh giá về Tổng đốc Hoàng Trọng Phu của viên công sứ Pháp ở Hà Đông như sau: "Bằng cách đem lại mối lợi, ông đã thành công trong việc thắt chặt dây liên lạc giữa các gia đình, hướng tâm trí người ta vào việc làm ăn, xua đuổi sự nhàn rỗi thường là nguyên nhân sinh ra nhiều tật xấu. Nền kinh tế phát triển giúp cho ông quan đầu tỉnh bản xứ rất lớn trong công việc cai trị về phương diện chính trị”.

-8436-1664350775.jpg

Cư dân ấp Hà Đông năm 1940

Xác định quản lý trong kinh doanh là quan trọng, với tư duy kinh tế sắc bén, Hoàng Trọng Phu đã tạo nên một hệ thống quản lý các làng nghề thủ công ở Hà Đông một cách chặt chẽ, bền vững giữa người thợ với người thợ, giữa làng nghề với làng nghề. Ông đã tái cơ cấu các làng nghề, xây dựng công xưởng, mở trường dạy nghề đã giúp vực dậy tinh thần làm việc, tăng cường sự hợp tác, tương tác lẫn nhau giữa các làng nghề, tạo nên tính linh hoạt trong sản xuất, đồng thời tiết kiệm chi phí đào tạo người lao động bằng việc để những người có kinh nghiệm truyền nghề những người học việc trong vùng. Khi sợi dây liên kết ngày càng được thắt chặt, hiệu quả làm việc và năng suất lao động sẽ tăng theo.

Sau khi xây dựng hệ thống quản lý kinh doanh, Hoàng Trọng Phu hướng tới việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thủ công ra thị trường. Để giúp các làng nghề, cơ sở sản xuất tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, ông đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề. Bằng việc mời các nghệ nhân có tiếng về giảng dạy tại các trường nghề cho đến tổ chức đưa lao động ra nước ngoài học nghề, ông mở mang tư duy, sức sáng tạo của người thợ thủ công, nhất là tiếp cận với những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ông đưa sản phẩm thủ công ở Hà Đông đến các triển lãm, hội chợ quốc tế ở Pháp nhằm thúc đẩy quảng bá sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài, tạo lập danh tiếng và chỗ đứng cho thương hiệu hàng thủ công Việt Nam trên thị trường thế giới. Từ đó, tạo cơ hội cho nghệ nhân, thợ thủ công có cơ hội học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời đưa những mẫu mã mới vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.

Đó là những bài học kinh nghiệm của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đối với doanh nhân kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay: cần phải tạo ra một hệ thống quản lý doanh nghiệp hiệu quả, tìm ra chiến lược phù hợp với cơ hội kinh doanh trong bối cảnh mới, đồng thời linh hoạt tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. 

-2479-1664350775.jpg

Một góc làng hoa Hà Đông ngày nay - Nguồn: baolamdong.vn

Thời gian làm Tổng đốc Hà Đông, Hoàng Trọng Phu đã tham gia nhiều hoạt động chính trị - văn hóa - xã hội có tư tưởng tiến bộ. Ông cùng anh trai là Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định) âm thầm hỗ trợ phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn người Đông Du ở Hà Đông và Nam Định hoạt động.

Bản thân ông cũng là thành viên Hội đồng Quản lý Hội Khai trí Tiến Đức - một hiệp hội thành lập năm 1919 với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam, chủ trương mở rộng con đường thâu nhận kiến thức Tây phương để phát triển xã hội, đề cao tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, danh nhân văn hóa Việt. Ông còn là Chủ tịch Ủy ban Tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn bản xứ Bắc Kỳ.

Năm 1937, trước khi từ nhiệm Tổng đốc Hà Đông, Hoàng Trọng Phu có sáng kiến di dân lập ấp tại Đà Lạt. Ông cùng Thương tá canh nông Hà Đông Lê Văn Định tuyển người vào Đà Lạt. Ngày 29/5/1938, nhóm cư dân Hà Đông đầu tiên gồm 33 người (27 nam, 6 nữ) là những nông dân khỏe mạnh, thạo nghề làm vườn của các làng xã ven hồ Tây được huấn luyện kỹ càng phương thức canh tác tiên tiến theo mô hình châu Âu lên tàu hỏa vào Đà Lạt. Năm 1940, Hoàng Trọng Phu vào thăm ấp. Người dân xin được lấy tên ông đặt tên cho ấp nhưng ông đã khéo léo từ chối và đề nghị lấy tên là ấp Hà Đông để con cháu nhớ về cội nguồn. Tính đến năm 1943, ấp Hà Đông đã có 57 gia đình và trở thành những người đầu tiên mở ra nghề trồng hoa và trồng rau ở Đà Lạt.

Năm 1937, ông nghỉ hưu tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông cho đến khi qua đời năm 1946 ở tuổi 74. Do có nhiều công lao với triều đình Huế, ông được phong Võ hiển điện đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông. Mộ phần của ông hiện nay ở khu di tích lăng mộ ấp Hoàng Cao Khải, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thanh An