Giá gạo Việt Nam tăng mạnh, vượt giá gạo Thái Lan
Trong nước - Ngày đăng : 01:53, 06/10/2022
Chính phủ Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% với các loại gạo khác nhằm mục đích tăng dự trữ cung nội địa trong bối cảnh mưa ít khiến diện tích và sản lượng năm nay giảm. Ngoài ra, việc hạn chế xuất khẩu cũng sẽ góp phần khiến giá nội địa giảm xuống, giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, có thể tiếp cận đầy đủ lương thực hơn.
Quyết định này của nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới lập tức ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới. Giá các loại gạo đã tăng, đặc biệt là gạo khô cơm, sản phẩm thế mạnh của Ấn Độ trong nhiều năm qua.
Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo khô cơm (cấp thấp, tương tự giống IR50404 của Việt Nam), trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo dẻo, gạo thơm. Mặc dù không cùng phân khúc chất lượng, nhưng việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% đã khiến giá gạo Việt Nam tăng lên. Dự kiến, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, vượt qua cả Thái Lan.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện được bán với giá 428 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 9.2022 và tăng 35 USD/tấn so với trước thời điểm Ấn Độ áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu (ngày 8/9/2022).
Còn gạo 5% tấm của Thái Lan được bán với giá 422 USD/tấn, giảm 1 USD. Gạo Ấn Độ 378 USD/tấn, giảm tới 15 USD so với cuối tháng 9 vừa qua. Như vậy, ở phân khúc gạo này, giá gạo của Việt Nam đã vượt qua cả Thái Lan.
Trong khi đó, với gạo 25% tấm, Việt Nam chào bán với giá 408 USD/tấn, tăng 5 USD so với cuối tháng 9/2022 và tăng 30 USD so với thời điểm trước ngày 8/9. Gạo Thái Lan có giá 406 USD/tấn. Gạo Ấn Độ có giá 363 USD/tấn, giảm 15 USD, trong khi gạo Pakistan ở mức 371 USD/tấn.
Các doanh nghiệp có thể thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, trong khi doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có nhu cầu lớn, nên dự báo giá gạo tấm và phụ phẩm của ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9.
Với xu hướng tăng hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhận định giá gạo xuất khẩu có thể tái lập mức đỉnh của năm 2021. Xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt và vượt so với kế hoạch là 6,3-6,5 triệu tấn. Trong vụ đông xuân 2022-2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy công suất để cung ứng nhanh, kịp thời cho thị trường, dành lượng phân bón sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước.
Liên quan đến việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu thông tin trên để thực hiện các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, điều hành xuất khẩu gạo hiệu quả và ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích người nông dân, kịp thời báo cáo.