Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG)

Chân dung - Ngày đăng : 04:49, 06/10/2022

Là người mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines, đầu tư hàng trăm triệu USD vào hơn 30 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khách sạn, nhà máy sản xuất, kinh doanh cửa hàng miễn thuế, thức ăn nhanh, quản lý sân bay... phân phối độc quyền hơn 92 hương hiệu thời trang hàng đầu thế giới và tiếp tục thực hiện nhiều dự án lớn cho kinh tế Việt Nam và TP.HCM... là hành trình mà "cánh chim không mỏi" Johnathan Hạnh Nguyễn đã và đang nỗ lực hoàn thành sứ mệnh.

Bản lĩnh người dẫn đầu

Trên hành trình dài với nhiều dự án, nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó có nhiều dự án lớn mang tầm thành phố và quốc gia, "cánh chim đầu đàn" Jonathan Hạnh Nguyễn không thể không có lúc mỏi mệt. Nhưng cánh chim vẫn mải miết bay. Ông Hạnh nói: "Trong khó khăn mới biết sự chống chịu, bản lĩnh và thích nghi của chính mình và mỗi doanh nghiệp đến đâu. Năm 2022, dù nhiều lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nhưng lại là lúc tôi làm việc nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, kiên trì phải vượt lên chính mình, tìm cách xoay trở tình thế và động viên tinh thần đoàn kết, xông trận của tập thể nhân viên để đẩy lùi khó khăn". 

Khi dịch ập tới, ông Hạnh cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên đi tiêm vaccine và suy nghĩ ngay đến việc hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên ngành kinh doanh bán lẻ thời trang, bán lẻ hàng không và F&B... cố gắng kiếm doanh thu bằng các phương tiện trực tuyến, kỹ thuật số, thương mại điện tử, Facebook, mạng xã hội kỹ thuật số... giữ liên lạc, chăm sóc và phục vụ chăm sóc khách hàng qua email, SMS... cập nhật tin tức thời trang cho khách hàng bằng cách gửi xu hướng, hình ảnh, video cập nhật từ 108 thương hiệu của mình. 

"Sau khi tôi đưa ra chiến lược "xoay trục hậu Covid: cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng đồng thời bảo vệ lợi nhuận sau đại dịch", tất cả ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên đã đồng lòng và đưa ra chương trình hành động với cường độ cao nên việc kinh doanh đạt được  kỳ vọng hơn cả mong muốn", ông nói. 

Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, mảng kinh doanh thời trang của IPPG tăng 47% doanh thu và lợi nhuận cũng tăng cao so với cùng kỳ là nhờ vào kế hoạch hành động nhịp nhàng trước, trong và sau dịch. Ngay cả trong 3 tháng bị "cách ly" , IPPG  vẫn có doanh thu khoảng 35% tổng doanh thu trước "giãn cách" ở các mặt hàng xa xỉ như đồng hồ, trang sức, quần áo sang trọng...

"Với định hướng đúng và thực hiện kế hoạch bằng tốc độ, sự thích ứng cao, chúng tôi đã vượt qua được cơn bão lớn", ông Hạnh nói.

-3911-1665384537.jpg

Quyết định táo bạo để thu hút ngoại tệ cho đất nước

Trong đại dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không cũng lao đao vì đại dịch, nhưng ông Hạnh lại đưa ra một quyết định táo bạo là thành lập hãng vận tải hàng không mới. Ông lý giải: "Công ty CP IPP Air Cargo ra đời để mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam phù hợp với các mục tiêu phát triển chiến lược chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Sự tham gia của hãng vận tải hàng hóa IPPG Air Cargo sẽ giúp Việt Nam lấy lại và cân bằng thương quyền vận chuyển hàng không giữa Việt Nam với các hãng nước ngoài và giúp giảm được giá thành vận chuyển hàng hóa hàng không một cách đáng kể cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp FDI giải quyết được bài toán nhức đầu về chi phí vận chuyển hàng hóa chuyên biệt hàng không và giúp họ tự tin phát triển kinh doanh bền vững tại Việt Nam".

Trong và sau đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn và bị đứt gãy, cộng thêm bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều thị trường mục tiêu với những phân khúc hàng hóa cần được vận chuyển với thời gian ngắn, mang tính thời vụ cao, việc IPPG thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa đến các nước trong khu vực và thế giới sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics hàng không Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa phương thức vận tải hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu nông sản và rau quả tươi của Việt Nam ra nước ngoài.

Sự tham gia của Việt Nam vào "Bầu trời mở ASEAN" - hiệp định về tự do hóa vận tải hàng không có hiệu lực từ năm 2015 giúp xóa bỏ kiểm soát giá cước, tần suất và khả năng thực hiện các chuyến bay trong khu vực, tăng cạnh tranh và sự lựa chọn cho hành khách. Điều này tạo nhiều cơ hội cho Công ty CP IPP Air Cargo mở rộng thị trường, hội nhập trong khu vực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hãng.

IPP Air Cargo sẽ tạo ra một nguồn thu hút ngoại tệ cho đất nước, đặc biệt điểm đến các hub quốc tế sẽ tạo nên thông thương hàng hóa và tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế địa phương, góp phần tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển, đẩy mạnh khai thác thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và quốc tế, với mục tiêu mang lại chuyến bay an toàn, giá cả hợp lý, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy thị trường vận chuyển hàng không phát triển, nâng tầm khu vực.

Một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì việc chuyên chở hàng hóa không ngừng tăng là một điều tất yếu, IPP Air Cargo dự kiến sẽ tham gia vào các hiệp hội, diễn đàn về logistics của các nền kinh tế khu vực và thế giới, với mục đích là trao đổi đánh giá và học tập, tìm cơ hội hợp tác kinh doanh, đồng thời giới thiệu với thế giới về một dân tộc Việt Nam với một thế hệ trẻ năng động và thân thiện, một môi trường đầu tư ổn định và đầy tiềm năng.

Hiện thực hóa trung tâm tài chính quốc tế

Ngoài lập hãng hàng không, năm 2022 ông cũng  chính là "kiến trúc sư” định hướng cho đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM. Ông chia sẻ, tháng 2/2022 IPPG đã ký kết tài trợ cho dự án trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng và quốc tế tại TP.HCM. UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM, trong đó trọng tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc lựa chọn nhà đầu tư vào trung tâm tài chính này sẽ được đề nghị đấu thầu rộng rãi theo tiêu chí sau khi đề án được Quốc hội thông qua.

IPPG đã ký hợp đồng với các công ty tư vấn trong nước và Công ty Shearman & Sterling - London để xây dựng đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Đây là một trong những công ty tư vấn tài chính quốc tế hàng đầu thế giới với mục tiêu là phấn đấu để trung tâm tài chính khu vực và quốc tế TP.HCM được xếp hạng (theo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI) thứ 50 vào năm 2030 và thứ 20 vào năm 2045.

Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính có tầm cỡ khu vực và quốc tế đang là xu hướng gần đây của một số quốc gia, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt để thu hút các định chế tài chính hàng đầu trên thế giới, đồng thời các trung tâm tài chính quốc tế vẫn tiếp tục đổi mới và điều chỉnh chính sách để gia tăng năng lực cạnh tranh.

Ở tuổi ngoài 70, nhưng niềm say mê công việc của ông vẫn luôn cháy bỏng. Ông nói: "IPPG đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho IPPG và các đối tác nghiên cứu, thực hiện 45 dự án đầu tư trọng điểm tại các tỉnh, thành trên cả nước. Các dự án đề xuất đầu tư tập trung vào 5 lĩnh vực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; khu phi thuế quan; phát triển thành phố sân bay; khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng; thành lập các tổng kho chuyên nghiệp trong và ngoài sân bay, hãng hàng không vận chuyển hàng hóa. Với các dự án này, tôi chưa thể nghỉ ngơi vào lúc này được vì còn rất nhiều việc cần phải làm và phải làm nhanh để triển khai. Ít ra khi các dự án, những đứa con tinh thần của tôi ra đời, đi vào hoạt động thì lúc đó tôi mới có thể an tâm, chuyển giao công việc để nghỉ ngơi.

Tôi luôn tâm niệm xã hội đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, cần lắm nhiều cống hiến góp sức dù nhỏ nhoi của từng doanh nhân, từng doanh nghiệp như chúng tôi, nhiều sự đồng lòng góp sức, góp gió thành bão thì đất nước ta sẽ nhanh tiến bước để trở thành một nước phát triển thịnh vượng".

Hạnh phúc là khi sự phấn đấu cống hiến của mình mang lại kết quả tốt đẹp, hạnh phúc còn là sự cho đi và tạo niềm vui cho người khác. "Tiền bạc làm ra ở đâu thì phải giúp ích cộng đồng ở đó... Ngoài ý nghĩa như một sự trả ơn cho cuộc đời, nó còn mang lại hạnh phúc bản thân tôi khi làm được điều đó”. 

Lữ Ý Nhi