Kim ngạch xuất khẩu khởi sắc
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:02, 10/10/2022
Xuất khẩu tháng 9 đạt 558,5 tỷ USD
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%. Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%.
Từ nay đến cuối năm, Việt Nam vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định; xung đột địa chính trị ngày càng leo thang và khó đoán định dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lương thực kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực, nguy cơ mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam khó duy trì như những tháng đầu năm.
Những mặt hàng có kim ngạch lớn như nông sản, dệt may, giày dép đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, những mặt hàng đó đều phụ thuộc vào yêu cầu của thị trường, trước tình trạng nhu cầu đang giảm sút cho một số thị trường các DN phải cố gắng khai thác đầy đủ tất cả thị trường đồng thời giải tỏa các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Làm được tất cả thì hy vọng Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Thị trường tiêu thụ co hẹp
Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm 2022, các DN xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt với khó khăn từ xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn; diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng...
Thực tế, nhiều DN thuộc các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ cho biết đã hết đơn hàng cho giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Giữa tháng 8 và đầu tháng 9, nhiều công ty đối mặt áp lực khi thị trường tiêu thụ bị co hẹp bởi biến động chính trị. Các đơn hàng không được bổ sung kịp thời cho những tháng cuối năm nên cuối tháng 9 vừa rồi, nhiều DN rơi vào tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm.
Trong lĩnh vực may mặc, bức tranh trong quý IV/2022 không mấy tươi sáng, theo đánh giá của SSI Research. Triển vọng đơn hàng cho quý IV và 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Trong tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với tháng 8/2022, cho thấy sự chậm lại đáng kể trong đơn đặt hàng.
Số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 của nhà sản xuất hàng may mặc trong nước thấp hơn 25-50% so với quý II/2022 tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất xa so với công suất hoạt động của những công ty này.
Đánh giá về thị trường cuối năm, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho rằng: “Ngành thời trang sẽ sôi động vì bên cạnh hệ thống cửa hàng thời trang với nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn, các trang thương mại điện tử dành nhiều ưu đãi cho đại dịch Covid-19, người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu nhưng năm nay, mọi thứ đã trở lại bình thường nên sức mua sẽ tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào và thiếu nhân sự phải tuyển lao động thời vụ khiến chi phí sản xuất bị đội lên rất nhiều, vì vậy mà biên lợi nhuận của DN rất thấp”.
Xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng sụt giảm mạnh, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, do thị trường nhập khẩu lớn Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid. Từ tháng 5, hầu hết thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sụt giảm mạnh, tiêu biểu là Bangladesh, Đài Loan, Malaysia... Đặc biệt, hai thị trường chính là Trung Quốc, Philippines đều giảm mạnh so với trước. Dự báo tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong nửa cuối năm 2022.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM, sau Covid-19, kinh tế Mỹ rơi vào khó khăn, người dân Mỹ giảm mua sắm những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu nên đồ gỗ không bán được. Nhiều nhà nhập khẩu gần như rơi vào khủng hoảng khi hàng tồn kho tăng vọt, kho hàng quá tải, dự báo phải mất 6 tháng đến một năm để tái cấu trúc kho hàng. Trước mắt, DN cũng đang tập trung cập nhật nhu cầu, xu hướng tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu và chờ đến mùa mua hàng tháng 10 xem các nhà nhập khẩu có động thái thế nào để tùy cơ ứng biến.