Đón đơn hàng mới

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:35, 10/10/2022

Khi những điểm nghẽn được tháo gỡ, các doanh nghiệp liên tục đón tin vui khi đơn hàng ngày càng nhiều dịp cuối năm và đầu quý I/2023.

Đối mặt nhiều khó khăn, nhưng đó là quy luật của thị trường mà các DN phải chấp nhận. Đang cấp tập chuẩn bị hàng Noel cho thị trường trong nước, ông Phạm Quang Anh - Công ty TNHH May mặc Dony cho biết: “Trong tháng 9, công ty phải cắt giảm bớt lao động thời vụ vì hàng xuất khẩu giảm nhưng sắp tới sẽ huy động hết công suất và gọi thêm lao động vì mùa sản xuất cao điểm Tết bắt đầu. Năm nay, các đơn hàng cho thị trường nội địa (áo thun, áo khoác nhẹ...) tăng mạnh và chiếm đến 60-70% doanh số. Hiện chúng tôi đã có những hợp đồng mới từ đối tác nước ngoài, dự kiến doanh thu sẽ tăng 30%, tăng khoảng 4 lần so với năm 2021”.

Với ngành sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, nhiều DN xuất khẩu cũng bớt căng thẳng bởi đầu ra của sản phẩm đang bắt đầu khởi sắc. “Trong 9 tháng đầu năm, Công ty CP Gỗ An Cường ước đạt 3.075 tỷ đồng doanh thu và 434 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 39,4% và 46,4% so với cùng kỳ. Dựa trên kết quả đạt được, Công ty CP Gỗ An Cường đã lần lượt hoàn thành 72,5% kế hoạch doanh thu và 78,8% kế hoạch lợi nhuận được giao. Quý IV là mùa cao điểm kinh doanh, DN dự kiến sẽ sớm về đích và vượt 15-20% so với kế hoạch”, ông Ngụy Thanh Vĩ - Giám đốc Quan hệ nhà đầu tư Công ty CP Gỗ An Cường cho biết.

Việc kết hợp tác thành công giữa Gỗ An Cường và Sumitomo Forestry America đã mang thêm cơ hội để DN thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ. Điều này góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Công ty CP Gỗ An Cường trong thời gian tới. Theo đó, Công ty CP Gỗ An Cường có kế hoạch tăng doanh thu gấp đôi so với năm 2021, đạt 300 triệu USD vào năm 2025 và mục tiêu nắm giữ 70% thị phần của An Cường vào cùng năm. 

Theo dự báo của Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, nhu cầu tiêu dùng ngành hàng thực phẩm dịp cuối năm sẽ tăng khoảng 30%. Cũng theo đánh giá của cơ quan này, do thiếu vốn, các DN đang xoay xở bằng nhiều cách để vừa ổn định sản xuất, vừa không tăng áp lực tài chính. Từ đầu năm đến nay, sức mua giảm 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy DN rất trông chờ vào mùa mua sắm cuối năm. 

Cùng với việc tăng công suất cho hàng Tết, các DN thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đến 20% một số mặt hàng từ đây đến Tết để kích cầu tiêu dùng. Với chính sách này và tiêu dùng tăng trong dịp cuối năm, họ hy vọng sức mua tăng 15% so với Tết Bính Dần.

Ngay từ tháng 9, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) đã bắt đầu sản xuất hàng Tết với công suất tăng 30% so với trước. Hiện tại, VISSAN đã tuyển khá nhiều lao động thời vụ để sản xuất hàng Tết. Từ tháng 10, VISSAN tăng tốc sản xuất các nhóm hàng xúc xích, lạp xưởng, giỏ chả, hàng đông lạnh...

Cùng thời điểm, Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đã làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì để sản xuất bún, phở, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu dịp cuối năm, dự báo tăng khoảng 30%. Do đó, theo đại diện Duy Anh, việc tích trữ nguyên liệu không chỉ giúp DN chủ động sản xuất, mà còn là cơ sở để giữ, giảm giá thành sản phẩm. 

Kế hoạch ban đầu DN làm việc với đối tác là sẽ tăng trưởng sản lượng 30% nhưng hiện tại sức tiêu thụ chỉ bằng năm ngoái. GC Food đang phải nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và giữ giá bán để ổn định thị trường trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh. Điều này khiến cho DN phần nào bị giảm lợi nhuận, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư mở rộng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bước vào tháng 9, nguồn cung nguyên liệu đã không chịu biến động lớn do tác động tích cực từ giá xăng dầu giảm. Nhu cầu tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho. Đồng thời có thêm tín hiệu tích cực từ các thị trường.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Hy vọng cuối năm 2022 thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sau chính sách Zero Covid. Đây là chỉ số rất quan trọng. Nếu thị trường này mở cửa, xuất khẩu sẽ đi vào ổn định và phát triển tốt cho năm 2023”.

Các DN cũng kỳ vọng nhu cầu mặt hàng thủy sản từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, EU... sẽ tăng từ tháng 10 để phục vụ mùa lễ hội. DN đang chủ động đầu tư chế biến sâu, đa dạng thị trường, nâng cao giá trị, ổn định việc làm cho người lao động.

Hiện nay có 279 DN thành viên và đang chiếm khoảng 80-83% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong hai năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm nay, dự báo lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.

Để triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững cho hàng hóa Việt Nam, các DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác. 

DNSG