Đừng để có tiền mà không giải ngân được

Trong nước - Ngày đăng : 01:47, 12/10/2022

Chính phủ đã xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, cần phải thực hiện quyết liệt và hiệu quả trong quý IV/2022, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khó. Vì sao?

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 nghị quyết, tổ chức 2 hội nghị trực tuyến, thành lập 6 tổ công tác, tiến hành 3 đợt kiểm tra để chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2022, tổng vốn đầu tư công đạt khoảng 580.000 tỷ đồng, lớn hơn khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2021. Theo ước tính đến cuối tháng 9/2022, giải ngân đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. 12 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%. Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỷ lệ giải ngân tốt.

Tuy nhiên, năm 2022, công tác triển khai giải ngân vốn vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy có tăng về số liệu tuyệt đối, nhưng về tỷ lệ, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm chỉ mới đạt 46,7% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021. 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 25 loại tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã ảnh hưởng đến quá trình giải ngân. Những tồn tại này thuộc ba nhóm: thứ nhất là thể chế, chính sách; thứ hai là công tác triển khai và thứ ba là những khó khăn thuộc đặc thù năm 2022.

-7391-1665544445.jpg

Theo đó, hạn chế trong công tác triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án đủ thủ tục là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Cụ thể, ông Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Do đó, kế hoạch không được phân bổ hết, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc công bố giá xây dựng tại các địa phương chưa kịp thời, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt, chất lượng chuẩn bị các dự án ODA còn thấp, năng lực của ban quản lý dự án có nơi còn chưa chuyên nghiệp cũng là những nguyên nhân làm chậm giải ngân.

Theo ông Phương, trong những tháng đầu năm 2022, giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, nguồn cung đất, cát để san lấp mặt bằng khan hiếm. Nhà thầu có tâm lý chờ cập nhật chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường. Những biến động này đã khiến cho việc giải ngân gặp khó khăn.

Ba tháng cuối năm là giai đoạn "chạy nước rút" để kịp tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể bảo đảm tổ chức thực hiện giải ngân hiệu quả từ nay đến hết năm 2022.

Thủ tướng cũng đề nghị rà soát lại các quy định, chủ động sửa đổi, bổ sung và đề xuất các cấp có thẩm quyền theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đầu tư công và thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ông Tuấn cho rằng các địa phương, bộ, ngành cần chủ động điều chỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình; quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư; bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, chủ tịch UBND thành phố phải tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Các địa phương phải thông báo giá xây dựng kịp thời với tình hình thực tiễn để xử lý vấn đề về giá đối với các dự án và giải quyết thấu đáo mối quan hệ của chủ đầu tư - nhà thầu trong các hợp đồng. Đồng thời, các bộ, ngành địa phương cũng cần chuẩn bị tốt kế hoạch giải ngân của năm 2023.

Ngoài ra, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù cùng chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu tăng cao, nhưng một số nơi vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt nhờ sự chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng điểm và lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực và kinh nghiệm.

Kinh nghiệm của hai  địa phương có tỷ lệ giải ngân cao là Thanh Hóa và Hải Phòng cho thấy, việc giao kế hoạch giải ngân sớm để các chủ đầu tư chủ động triển khai là một việc làm quan trọng. Tỉnh Thanh Hóa đã triển khai rà soát, điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công và thành lập các tổ thúc đẩy dự án, nhất là các dự án trọng điểm nhưng chậm tiến độ.

Còn Hải Phòng cũng chỉ tập trung vốn cho từ 7-10 dự án trọng tâm, trọng điểm; đồng thời ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc 100% chi phí giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương giải ngân thành công chia sẻ những mô hình, cách làm hay để cả nước cùng nhau hoàn thành mục tiêu đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh: "Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân".

T.Minh - H.Giang