Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2022): Nỗ lực sánh bước cùng doanh nhân thế giới
Trong nước - Ngày đăng : 02:11, 12/10/2022
Từ tư tưởng "làm cho nước giàu"...
Ai đã đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du hẳn nhớ nhân vật “thằng bán tơ” - một người buôn bán và chỉ được gọi là “thằng”. Truyện cổ tích Việt Nam cũng có “con mụ Lường” để nói về những người kinh doanh, buôn bán. Vậy thì giai tầng nào trong xã hội mới đáng tôn vinh?
Bao đời nho gia Việt Nam cũng chỉ ca ngợi cảnh thanh bần và những người được xem là “kẻ sĩ” thì không thèm đứng cùng hàng với nông, công, thương vì họ cho những người này là hèn hạ, gọi là dân buôn, ngu dốt.
Mãi đến đầu thế kỷ XX, quan niệm này mới thay đổi khi gió tân thư từ Trung Hoa, Nhật Bản thổi vào, được những nho sĩ lớn của Việt Nam khuấy động bằng sóng Duy Tân. Tuyên ngôn của phong trào Duy Tân đã được Nguyễn Lộ Trạch tung ra trong Thiên hạ đại thế luận rằng: “…Có công nghệ mà không biết chấn hưng, có khoáng sản mà không biết khai phá, ngu đến thế là cùng!”.
Vào khoảng năm 1904, với chủ trương “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” Phan Châu Trinh đã đưa ra học thuyết “Dân quyền” làm linh hồn để hình thành phong trào Duy Tân. Văn minh tân học sách của Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ ra rằng không chỉ cần “hóa dân” (mở mang dân trí) mà còn phải chung sức “cường quốc” (làm nước giàu), muốn vậy trước hết phải chấn thương công nghệ: “Công nghệ rất quan hệ với quốc gia, ta không hơn người thì người sẽ bỏ rơi ta”.
Năm 1906 tại Bình Thuận, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trọng Lợi, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi... đã thành lập Liên Thành Thương quán và lần đầu tiên những bậc thông thuộc sách thánh hiền lại đi buôn cá mắm! Đến năm 1909 lại xuất hiện một Bạch Thái Bưởi bước vào thương trường với hỗn danh “Chúa sông miền Bắc”, có trên 30 chiếc tàu lớn nhỏ mang những cái tên đầy tự hào như Phi Long, Hồng Bàng, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi... cạnh tranh ngang ngửa cùng tư sản thương thuyền Pháp.
Khi ông Bạch Thái Bưởi mất, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố viết trong Tạp chí Đông Thanh gọi ông là “bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”. Cũng đã có một Nguyễn Sơn Hà, doanh nghiệp chế tạo sơn theo công nghệ hiện đại được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối đời mang một ước nguyện: “Tôi làm sơn, sơn ô tô tốt rồi, tôi sẽ làm sơn máy bay để tự tay tôi sơn vào máy bay của ta”. Những con tàu của Bạch Thái Bưởi hay những chiếc máy bay trong mơ ước Nguyễn Sơn Hà thể hiện lòng tự tin của một dân tộc biết rằng mình có đủ tố chất để trở thành cường quốc.
Đầu thế kỷ XX, cụ Lương Văn Can đã soạn riêng hai quyển sách chuyên sâu là Kim cổ cách ngôn (năm 1925) bàn về cách buôn bán, làm giàu và đạo đức kinh doanh và Thương học phương châm (năm 1928) bàn về việc kinh doanh. Hai quyển này không thuần túy là sách để học, để phổ biến kiến thức kinh doanh, mà rất chú trọng việc thực nghiệp nghề buôn, phát triển buôn bán để dân giàu nước mạnh. Từ tư tưởng trong hai quyển sách này của cụ Lương Văn Can và tinh thần của Đông Kinh Nghĩa Thục, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều doanh nhân người Việt, góp phần hình thành tầng lớp tiểu tư sản và tư sản trong một quốc gia thuộc địa. Với cụ, buôn bán hay thương mại là nghề chân chính, lương thiện.
...Đến ngày vinh danh doanh nhân Việt Nam
Sau khi tuyên bố độc lập, ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời kêu gọi: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Nhưng những diễn tiến lịch sử sau đó đã đặt giới công thương thành một loại công dân hạng hai, có khi còn bị đưa ra khỏi guồng quay xã hội như trong những ngày cải tạo công thương 1978.
Từ bao đời, người dân Việt Nam vốn vẫn tự hào là một nước được thiên nhiên ưu đãi, có dầu mỏ, dân số đông, nhân lực trẻ, chính trị ổn định nhưng sau 30 năm hòa bình, Việt Nam vẫn đang tụt hậu ngày càng xa trên lộ trình của thế giới. Câu hỏi “Tại sao Việt Nam nghèo?”. Ước mơ “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” vẫn chỉ là mơ ước và đó cũng chính là câu hỏi, nỗi trăn trở của rất nhiều người, trong đó có trăn trở của Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (trực thuộc Hiệp hội Doanh Nghiệp TP.HCM), bây giờ là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn (trực thuộc UBND TP.HCM) với người đứng đầu là bà Nguyễn Minh Hiền - Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn lúc đó.
Với thành kiến trong hệ tư tưởng và quản lý kinh tế, xã hội, suốt một thời gian dài “con buôn” vẫn không được trọng thị bằng từ “doanh nhân”. Thậm chí, ngay cả Từ điển Tiếng Việt lúc đó cũng không có từ “doanh nhân”.
Tại sao ước mơ “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” vẫn chỉ là mơ ước và đó cũng chính là câu hỏi, nỗi trăn trở của rất nhiều người, trong đó có giới công thương (nay là doanh nhân) và trăn trở của Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, với người đứng đầu là bà Nguyễn Minh Hiền - Tổng biên tập khẳng định chỉ có đội ngũ doanh nhân mới có thể trả lời được câu hỏi “Bao giờ Việt Nam hết nghèo và sánh vai với các cường quốc?”.
Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn quyết tâm phải khẳng định được vai trò, sứ mệnh và phải có một ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam. Ngay sau đó, đội ngũ phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã tỏa đi thu thập ý kiến của doanh nhân về "Ngày Doanh nhân". Đích thân Tổng biên tập Minh Hiền đi gõ cửa các nơi, các cấp để "xin sự ủng hộ Ngày Doanh nhân Việt Nam". Thời đó chưa có mạng xã hội, Internet cũng chưa phổ cập rộng, Doanh Nhân Sài Gòn lại mới tròm trèm một năm tuổi nên việc lan truyền thông điệp ấy vô cùng khó khăn. Nhiều đêm, dù rất khuya nhưng cả tòa soạn vẫn chụm đầu hội ý, bàn cách tổ chức thế nào để lan tỏa thông điệp và kêu gọi doanh nhân hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam. Báo Doanh Nhân Sài Gòn nhiều số liền luôn "nóng hổi" thông tin về diễn đàn với những góp ý, nguyện vọng của giới doanh thương về sự cần thiết phải có ngày của giới mình.
Cũng từ đây, cộng đồng doanh nhân TP.HCM bắt đầu tin yêu Báo Doanh Nhân Sài Gòn. Người hỗ trợ tinh thần, người góp thêm ý kiến, người khuyên làm thế này, người nói phải thế kia... Trong số rất nhiều ý kiến ấy, có bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cao đóng góp của doanh nhân Việt Nam (ngày 7/5/2004), ông viết: "...Đội ngũ doanh nhân Việt Nam tuy còn nhỏ bé nhưng giàu lòng yêu nước, đã tích cực tham gia đóng góp tiền của và công sức cho sự nghiệp chung".
Dựa vào gợi ý từ bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với mong mỏi của cộng đồng doanh nhân, ngày 26/7/2004, TS. Phạm Hảo Hớn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM có thư ngỏ gửi Quốc hội và Thủ tướng, đề nghị lấy ngày 13/10 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương làm Ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM không đủ thẩm quyền đề xuất nên Hiệp hội phải gửi công văn cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để đề xuất trình Quốc hội và Thủ tướng về ngày này. Vì thế ngày 19/9/2004, khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành quyết định đồng ý lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nhân vẫn không biết nơi góp công đầu đề xuất và ý tưởng để có Ngày Doanh nhân Việt Nam chính là Báo Doanh Nhân Sài Gòn, đặc biệt là tâm huyết của Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền.
Nhiều doanh nhân đã vui mừng khi được Thủ tướng chấp thuận ngày này, rất nhiều doanh nhân đã gửi thư về Báo bày tỏ niềm vui như lá thư của cựu doanh nhân Đỗ Hữu Trọng - Tổng giám đốc Công ty CP Savime đã viết: ‘Ngày Doanh nhân Việt Nam phải làm sao tạo điều kiện thiết thực nhất, tác động về mặt xã hội và Nhà nước để tầng lớp doanh nhân phát triển càng nhanh càng tốt, hình thành được tinh thần doanh nghiệp, truyền thống và văn hóa doanh nghiệp. có như vậy, Việt Nam mới có đủ sức cạnh tranh, phát triển bền vững”.
Từ cột mốc đầu tiên đó, 18 năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để vượt lên chính mình, vượt qua muôn vàn khó khăn để ghi tên mình, ghi tên doanh nghiệp mình vào trang vàng lịch sử phát triển của Việt Nam. Nhiều tên tuổi doanh nhân Việt đã lan ra toàn cầu, nhiều thành tựu, nhiều công trình, sản phẩm không chỉ đem đến cho người dân Việt Nam cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn, mà còn rửa nỗi nhục "nước nghèo", làm rạng danh tên tuổi Việt Nam trên thế giới.
Sau 18 năm khởi xướng Ngày Doanh nhân Việt Nam, phát huy truyền thông của những người đi trước, thế hệ nối tiếp của Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) đang và sẽ tiếp tục đồng hành, có nhiều sáng kiến để tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần xây dựng thành phố và đất nước Việt Nam hùng cường.