Thực hiện Nghị quyết 128: Thị trường lao động phục hồi

Trong nước - Ngày đăng : 03:00, 12/10/2022

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu mở cửa lại kinh tế sau đại dịch, thị trường lao động phục hồi, an sinh của người lao động được bảo đảm.
Thực hiện Nghị quyết 128: Thị trường lao động phục hồi

Thị trường lao động phục hồi

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã khiến 5% lao động bị mất việc, 32% lao động phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng việc, gần 50% số người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, khoảng 80% số người bị giảm thu nhập… Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời với phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" lập tức tạo ra những thay đổi lớn, mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Cuối năm 2021, người lao động đã trở lại làm việc tại TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 85-90%, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp cuối năm.

Báo cáo quý III/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động, song song đó là đời sống của người lao động từng bước phục hồi và nâng cao. Trong đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255.200 người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so cùng thời điểm năm 2021- thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Tính chung 9 tháng, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251.000 người so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64%.

-4540-1665549241.jpg

An sinh của người lao động được bảo đảm 

Những chuyển biến tích cực của thị trường lao động góp phần rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế cả nước sau giai đoạn dịch bệnh. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành. Trên nền tảng ấy, đời sống người lao động cũng từng bước phục hồi, nâng cao hơn.

Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập người lao động trong quý III/2022 được tăng lên so cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143.000 đồng so với quý trước.

Chín tháng năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727.000 đồng. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,7 triệu đồng, tăng khoảng 1,9 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng, tăng khoảng 1,8 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,9 triệu đồng, tăng khoảng 558.000 đồng.

Cùng với đó, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý III/2022 là 7,6 triệu đồng, tăng 126.000 đồng. So cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý III/2022 tăng 1,6 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu so sánh giữa các vùng, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân người lao động vùng Đông Nam Bộ được cải thiện nhiều nhất. Theo đó, quý III/2022, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 8,6 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng (tăng 53%) so cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động làm việc tại TP.HCM có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất đạt 9,2 triệu đồng, còn lao động làm việc tại Bình Dương có mức thu nhập là 8,9 triệu đồng.

Đăng Phan