Đạo đức và văn hóa kinh doanh là nền tảng cốt lõi của mỗi doanh nhân
Phong cách sống - Ngày đăng : 05:22, 12/10/2022
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong hội thảo “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Theo ông Thắng, sau hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và phát triển. Các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa là hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển.
Ông Thắng cho rằng, trong sự phát triển ấy, văn hóa, đạo đức kinh doanh có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển thành công trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo. “Văn hóa là trụ đỡ, là điểm tựa giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến cố, chấn động bất ngờ, các “cú sốc” của thị trường, của đại dịch Covid-19 và cả những tác động sâu sắc của làn sóng toàn cầu hóa, “cơn bão” chuyển đổi số tràn qua mọi quốc gia”, ông Thắng nói và nhấn mạnh "văn hóa còn là gốc rễ, là nền tảng và khát vọng làm giàu, khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng".
Hội thảo cũng nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương (13/10/1945 - 13/10/2022) và 18 năm ngày Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2022). |
Với tầm nhìn bao quát, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, cho biết hiện nay Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Mặc dù kinh tế Việt Nam đứng trong Top 40 thế giới về GDP, Top 20 về quy mô thương mại quốc tế nhưng thực trạng vẫn còn một số cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội.
“Gần đây chúng ta thấy một số vụ án liên quan đến các doanh nhân có tiếng tăm, nhưng kinh doanh bất chấp luật pháp, gây tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp và hình ảnh quốc gia”, ông Công nhấn mạnh và cho rằng, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, đồng thời đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Vị đại diện VCCI cũng nhìn nhận phải phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam một cách tương xứng, vì chính đội ngũ này là những người tổ chức lực lượng sản xuất để làm ra sản phẩm cho xã hội. Khi muốn trở thành đất nước văn minh, phát triển ngang tầm thế giới thì chính đội ngũ doanh nhân phải tiên phong, làm gương trong xã hội.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, có hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp đi sâu phân tích những quan điểm cơ bản, cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, văn hóa trong kinh doanh và doanh nhân Việt Nam; đường lối chủ trương của Đảng đối với doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Qua đó hội thảo khẳng định việc xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay là cần thiết.
Đồng thời, các đại biểu cũng cơ bản thống nhất với 6 nguyên tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố. Đó là: Tạo giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
"Cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ, nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến", ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh. |