Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Đội ngũ doanh nhân đã nâng cao vị thế kinh tế của TP.HCM với cả nước và quốc tế

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 07:00, 13/10/2022

Theo ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, đội ngũ doanh nhân thành phố đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao vị thế kinh tế của thành phố đối với cả nước và khu vực Đông Nam Á.

* Xin Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá sơ nét về những đóng góp của lực lượng DN và đội ngũ doanh nhân thành phố đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua?

- Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, TP.HCM đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ phát triển các loại hình DN, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Theo thống kê từ năm 2011-2021, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước cao nhất chiếm gần 22%/năm. Kết quả này là đóng góp lớn của lực lượng DN và đội ngũ doanh nhân thành phố.

Tuy chúng ta vẫn duy trì được vị trí đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước, nhưng TP.HCM đang đối diện với nhiều thách thức như tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm, tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước giảm, tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh có xu hướng giảm.

Ngoài ra, theo định hướng phát triển của TP.HCM, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hằng năm sẽ đạt khoảng 8%. Đặc biệt, đến năm 2030, TP.HCM sẽ có GRDP bình quân đạt 13.000 USD, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Đông Nam Á. 

Để giữ được vai trò vị trí đầu tàu và những mục tiêu định hướng trên, TP.HCM cần rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng là cần thiết, trong đó ngay trong lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân chúng ta cũng cần có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

-7183-1665453978.jpg

* Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU ngày 21/12/2012 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ông đánh giá thế nào về đội ngũ doanh nhân TP.HCM ngày nay? 

- Cách nay 11 năm, khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết đầu tiên riêng về doanh nhân, đã có rất nhiều thay đổi từ thể chế, pháp luật cho đến thực tiễn vì sự phát triển của doanh nhân. Lần đầu tiên trong Hiến pháp 2013 đã chính thức ghi nhận giới doanh nhân trong Hiến pháp, thành lập quyền kinh doanh và bảo hộ của Nhà nước.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU ngày 21/12/2012 của Thành ủy, đội ngũ doanh nhân TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng nâng lên, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, góp phần rất quan trọng trong giảm nghèo, tăng hộ khá. 

Tuổi đời bình quân của doanh nhân TP.HCM khá trẻ nên năng động dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, quản lý tiên tiến và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Họ đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của thành phố đối với cả nước và khu vực Đông Nam Á. Doanh nhân đã cùng với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm chăm lo đời sống công nhân, người lao động, nhất là người nghèo, gia đình chính sách; gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong hai năm 2020 và 2021, TP.HCM rất khó khăn vì đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của DN. Giai đoạn này khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo của doanh nhân thành phố trong việc chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh... qua đó góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau, cộng đồng doanh nhân TP.HCM cũng đã chia sẻ trách nhiệm của mình để cùng thành phố đóng góp vào quỹ vaccine, chăm lo cho lực lượng tuyến đầu và bà con yếu thế...

* Đó là mặt tích cực, còn những mặt hạn chế thì như thế nào, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới?

- Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động số 29-CTrHĐ/TU của Thành ủy bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cũng còn những hạn chế mà cần nhìn nhận thẳng thắn để từ đó có giải pháp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Phải thừa nhận chất lượng đội ngũ doanh nhân cũng chưa cải thiện nhiều. Đội ngũ doanh nhân thành phố chưa đồng đều, khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu sự liên kết chặt chẽ; nguồn lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và năng lực quản lý DN còn hạn chế. Một bộ phận doanh nhân chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Những điểm yếu này trong chương trình hành động cũng đã có nêu, nhưng đến nay chúng ta cũng chưa thấy khắc phục được nhiều.

Ngoài ra, cũng có phần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, năng lực công vụ chưa đảm bảo và nhận thức chưa đúng tầm vai trò của doanh nhân - chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Việc cải cách hành chính chưa đáp ứng thật tốt sự phát triển, hoạt động của DN. Chúng ta cũng còn nghe phản ảnh nhiều của DN về cơ chế chính sách không đồng bộ, xin cho, các dịch vụ công chậm giải quyết... làm khó khăn và mất cơ hội kinh doanh của DN.

Để khắc phục những hạn chế trên, về mặt quản lý nhà nước, TP.HCM tiếp tục tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN. Thành phố đang có chiến lược xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn tầm cỡ, đội ngũ doanh nhân tầm cỡ khu vực và thế giới nhằm dẫn dắt kinh tế của thành phố; xây dựng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ DN có nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi để phát triển kinh doanh, mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để có nhiều thương hiệu Việt trở thành thương hiệu quốc gia.

Trước hết, TP.HCM sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ thích hợp đối với những DN có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tập trung phát triển các lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh cao của nền kinh tế.

* Trong chương trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, theo ông vai trò của DN, doanh nhân đứng trong không gian văn hóa này như thế nào?

- Còn nhớ ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để gặp gỡ giới DN và doanh nhân tại Phủ Chủ tịch. Một tháng sau, ngày 13/10/1945, Người viết thư động viên họ tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Bác được xem như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với DN, doanh nhân. 

Ngoài ra, Bác luôn căn dặn xây dựng tinh thần đoàn kết trong DN; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa DN, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên; phải dân chủ, công khai, xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong DN... Bác đã tiên định và đã đặt trọn niềm tin vào giới DN, doanh nhân Việt Nam, xem đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thách thức lớn nhất hiện nay là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa kinh doanh của DN Việt Nam. Từ khi đất nước đổi mới đã giải phóng năng lực của cá nhân, tạo ra những DN năng động, dám nghĩ dám làm và từng bước vươn ra thế giới. Nhưng kinh tế thị trường cũng tạo môi trường thuận lợi cho tình trạng suy thoái về đạo đức kinh doanh. Nhiều DN, doanh nhân không giữ được phẩm chất dẫn đến vấp ngã, phá sản.

Tôi nghĩ người dân TP.HCM đều tự hào khi mình sinh sống và làm việc tại thành phố mang tên Bác, trong đó có đội ngũ doanh nhân. Lực lượng DN và đội ngũ doanh nhân của chúng ta đông nên đóng vai trò hết sức quan trọng trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Vấn đề là doanh nhân cần tìm hiểu kỹ và học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác như thế nào để vận dụng trong xây dựng văn hóa của chính mình và của chính DN. 

TP.HCM sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn có những đề án, chương trình truyền thông để xây dựng bản sắc văn hóa riêng của doanh nhân thành phố.

-5843-1665453978.jpg

* Thưa Chủ tịch, người chiến sĩ trung kiên giải phóng dân tộc năm xưa đã được lưu truyền nhiều trong sử sách, ông nghĩ thế nào về người chiến sĩ trung kiên trên mặt trận kinh tế hôm nay, họ cũng cần được lưu danh sử sách?

- Như tôi đã trả lời, từ lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho giới công thương cho đến các nghị quyết của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước đã được ban hành đều xác lập quyền kinh doanh và bảo hộ của Nhà nước, cũng như ghi nhận vai trò vị trí quan trọng giới doanh nhân - chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.

Tôi cho rằng vấn đề này vừa thực tế, vừa nhân văn. Chúng ta nên có những công trình tôn vinh và lưu danh sử sách những tấm gương tiêu biểu của doanh nhân. Trong môn lịch sử Việt Nam cũng nên nghiên cứu dạy những tấm gương doanh nhân trong lịch sử đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kinh doanh, phát triển kinh tế xây dựng đất nước.

Thành phố chúng ta - một trung tâm kinh tế của đất nước, nơi có đội ngũ doanh nhân đông nhất cần sớm có những kế hoạch cụ thể. Nếu chúng ta làm tốt việc này cũng là cách khẳng định quan điểm tôn trọng vị trí doanh nhân của Đảng và Nhà nước, đồng thời sẽ góp phần giáo dục đội ngũ doanh nhân hướng đến lâu dài của chân, thiện, mỹ trong sự nghiệp kinh doanh của mình.

* Cách nay một năm, Chủ tịch có kêu gọi chính quyền cùng thi đua với DN, doanh nhân để cùng nhau sớm giải nén nền kinh tế. Kết quả đó hiện nay như thế nào? 

- Năm nay, TP.HCM lấy chủ đề là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN". 

Để thực hiện thành công chủ đề này cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý và DN. Thành phố cũng đã đưa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN...

Có thể nói, tính đến nay chính quyền và DN đã giải nén thành công nền kinh tế. 9 tháng đầu năm, kinh tế thành phố đang tiếp tục đà phục hồi tốt, đạt mục tiêu tăng trưởng 9,71% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 350.000 tỷ đồng, đạt hơn 90% dự toán năm và tăng gần 28% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 105.000 tỷ đồng, đạt gần 90% dự toán, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt gần 805.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt gần 36 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TP.HCM ước tính lần 1 tăng 9,44% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%.

TP.HCM đã thu hút được hơn 2,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất trong 5 năm, số DN thành lập mới tăng 33,4% nhưng quy mô DN lại giảm. Số DN giải thể chiếm 50% trên tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này phản ánh DN của thành phố chúng ta yếu và dễ bị tổn thương trước những khó khăn trong nước và thế giới.

Tôi cho rằng, hiện nay việc giải ngân đầu tư công còn thấp, các gói phục hồi, kích cầu thực hiện chưa đạt yêu cầu, chưa đến với DN và chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, giá trị sản xuất, xuất khẩu giảm, công tác phối hợp giữa các quận, huyện, sở ngành vẫn còn nhiều vướng mắc. Đó là những vấn đề còn tồn đọng do các cơ quan chức năng. Tới đây, thành phố sẽ thành lập ban chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại này.

Từ kết quả thực tiễn và những hạn chế còn tồn trên cho thấy chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để thật sự giải nén phát huy tối đa nguồn lực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

* Xin cảm ơn ông.

Lê Giang