Xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ xứng tầm
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 00:00, 13/10/2022
Từ thống kê này, chúng ta có thể thấy rằng hoạt động của các doanh nghiệp tại TP.HCM trong nhiều năm qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, đội ngũ doanh nhân lãnh đạo hơn 250.000 doanh nghiệp nêu trên có vai trò quan trọng.
TP.HCM đã hội nhập và phát triển trong hơn 35 năm qua, trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn trên cả nước và đang có rất nhiều cơ hội và tiềm năng trở thành một trung tâm kinh tế tài chính trong khu vực.
Chính vì thế, một trong những việc chúng ta cần chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc này là chuẩn bị một đội ngũ doanh nhân xứng tầm khu vực, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân trẻ.
Đào tạo đội ngũ doanh nhân trẻ theo hướng nào?
Sau hơn 35 năm phát triển, thành phố chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp lớn, đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng doanh nghiệp và phát triển kinh doanh. Trong giai đoạn sắp tới đây, các doanh nhân trẻ sẽ là thế hệ tiếp nối tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới và "gánh trọng trách" phát triển thành phố thành trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, vì vậy nên đầu tư việc đào tạo cho đội ngũ này.
Chúng ta đang có hai nhóm doanh nhân trẻ: các doanh nhân trẻ tiếp nối quản lý, điều hành doanh nghiệp và các doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Tôi cho rằng 5 phạm vi sau đây là cần thiết để phát triển các chương trình đào tạo cho đội ngũ doanh nhân trẻ TP.HCM:
1. Văn hóa và trách nhiệm
Một văn hóa kinh doanh liêm chính, minh bạch, thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm đối với công ty, đối với người lao động và đối với xã hội.
Tôi xin cung cấp thêm thông tin, cũng theo thống kê từ Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021, tại TP.HCM hiện có 2.946.688 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Từ đó để thấy, mỗi doanh nhân cần thấu hiểu mọi việc họ làm sẽ có ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng nghìn người lao động đang làm việc cho họ.
2. Kiến thức về pháp luật
Khi doanh nhân trẻ đã thấu hiểu rõ về tinh thần văn hóa và trách nhiệm đối với các bên, tiếp đến chúng ta cần bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho họ.
Tôi nhận thấy rằng, phần lớn doanh nhân trẻ, đặc biệt là nhóm doanh nhân trẻ khởi nghiệp gần như không được tiếp cận đầy đủ các kiến thức cơ bản về pháp luật trong kinh doanh, luật lao động, luật thuế.
Khi các doanh nhân trẻ nắm vững kiến thức về pháp luật, gắn liền với định hướng phát triển của thành phố, thì họ sẽ tự tin và có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa.
3. Kiến thức về quản lý và điều hành doanh nghiệp
Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý trẻ nếu đang công tác tại các doanh nghiệp, đa phần được thăng cấp từ một nhân viên chuyên môn nghiệp vụ. Ngoại trừ ở các tập đoàn lớn, thì phần đông các nhà lãnh đạo trẻ này chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về quản lý và điều hành doanh nghiệp. Trong khi đó, việc từ nhà chuyên môn trở thành nhà quản lý là sự khác biệt lớn.
Trường hợp tiếp, khi các doanh nhân trẻ khởi nghiệp thường xuất phát từ một ý tưởng mới. Nhiều người trong số các doanh nhân trẻ khởi nghiệp gần như chưa hoặc có rất ít kinh nghiệm làm việc, thậm chí vài người trong số họ còn chưa bao giờ làm công tác quản lý. Trong khi để vận hành một doanh nghiệp khởi nghiệp đúng nghĩa, có khả năng tạo ra giá trị cho xã hội, thì nếu chỉ có một ý tưởng sáng tạo hoặc một khả năng bán hàng thì chưa đủ.
Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh, dù bắt đầu đảm nhiệm việc quản lý doanh nghiệp từ đâu, doanh nhân trẻ vẫn phải được bồi dưỡng kiến thức quản lý và điều hành doanh nghiệp.
4. Học hỏi kinh nghiệm
Khi thành phố phát triển hướng đến quy mô toàn khu vực, hoạt động kinh doanh sẽ không còn gói gọn trong TP.HCM hoặc trong lãnh thổ Việt Nam mà phải cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế. Chính vì vậy, việc học tập kinh nghiệm từ những doanh nhân "tiền bối", những doanh nghiệp đầu ngành là một sự cần thiết cho các doanh nhân trẻ.
Kinh nghiệm ở đây bao gồm những bài học thành công và cả những lời khuyên tránh phạm phải sai lầm. Vì khi đã phát triển ra quy mô tầm quốc tế thì một sai lầm của doanh nhân không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân và doanh nghiệp, mà còn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố và thương hiệu quốc gia.
5. Ngoại ngữ
Chắc chắn rằng trong kinh doanh quốc tế, việc thạo ngoại ngữ là thiết yếu. Mặc dù đội ngũ doanh nhân trẻ ngày nay đã có nền tảng ngoại ngữ tương đối tốt, tuy nhiên để sử dụng tốt ngoại ngữ chuyên ngành đúng lĩnh vực, ngành nghề đang kinh doanh, họ cần phải trau dồi, rèn luyện ngoại ngữ nhiều hơn nữa.
Phân chia các hiệp hội thành các hội ngành nghề để phát huy hiệu quả hoạt động
TP.HCM hiện có nhiều hội, hiệp hội, tổ chức, câu lạc bộ doanh nhân. Tôi cũng là thành viên của một vài hiệp hội. Tôi nhận thấy phần lớn thành viên đang tham gia trong những tổ chức này đều trẻ.
Với kinh nghiệm là thành viên của vài hội và hiệp hội, tôi muốn đề xuất trong giai đoạn sắp tới, chúng ta nên có thêm (hoặc sáp nhập), hoặc phân nhỏ những hiệp hội lớn thành nhiều hội nhỏ với sự chuyên môn hóa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
Cụ thể, một vài hiệp hội lớn đang phân nhỏ từng chi hội theo địa bàn hoạt động, ví dụ chi hội quận 1, chi hội quận 3, chi hội quận Tân Bình...
Thay vào việc phân chia theo địa bàn hoạt động, chúng ta nên phân thành chi hội ngành nông nghiệp/lâm nghiệp/thủy sản; chi hội ngành công nghiệp/kỹ thuật; chi hội ngành dịch vụ...
Tôi tin rằng, sự chuyên môn hóa ngành nghề sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động của hội, hiệp hội và góp phần phát triển cộng đồng doanh nhân ngày càng lớn mạnh.
(*) Tổng giám đốc VSE Institute