Loạt dự án đường sắt đô thị liên tục đội vốn, chậm tiến độ, nguyên nhân vì đâu?
Trong nước - Ngày đăng : 04:54, 13/10/2022
Tất cả các dự án đều được phê duyệt trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2010. Có nghĩa, dự án gần nhất được phê duyệt triển khai cũng đã cách đây 12 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có một trong số đó đã hoàn thành và đưa vào vận hành.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu 8.769,9 tỷ đồng và tiến độ hoàn thành đặt ra vào năm 2013. Nhưng đến tháng 3/2021 dự án mới hoàn thành và đưa vào vận hành thử. Tổng mức đầu tư ghi nhận của dự án này là 18,001 tỷ, tăng gấp hơn 2 lần so với dự kiến ban đầu.
Trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn 3 dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có dự án đã chậm tiến độ dự kiến hơn 10 năm.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội lần đầu phê duyệt năm 2006 và dự kiến hoàn thành 2010. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại sau 4 lần lùi thời gian dự án này vẫn mới chỉ hoàn thành được 75,2% tiến độ.
Trong lần điều chỉnh mới nhất, thành phố Hà Nội thống nhất đề xuất Chính phủ lùi thời gian hoàn thành lần thứ 5 và dự kiến lùi thời gian hoàn thành sang năm 2027.
Dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo phê duyệt dự án đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2009-2015. Tuy nhiên, mới đây dự án này cũng đã xin lùi thời gian hoàn thành sang năm 2027. Vốn đầu tự cho dự án này cũng đã bị đội lên tới 35.678 tỷ đồng (tăng thêm 16.123 tỷ đồng).
Trong khi đó, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi được phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2007-2017 sau đó điều chỉnh thực hiện từ năm 2017-2024 với tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng. Hiện, dự án chỉ mới hoàn thành giải phóng mặt bằng 130 ha khu Tổ hợp Ngọc Hồi.
Còn tại địa bàn TP.HCM 2 dự án được triển khai là Dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1) và; Dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Tham Lương (Metro số 2).
Dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến Bến Thành-Suối Tiên (Metro số 1) thực hiện dự án từ 2007, vốn đầu tư 17.387 tỷ đồng và năm 2019 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng. Dự án được điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2007-2021; tiến độ dự án đến nay đạt 92,19%. Tuy nhiên, mới đây cũng đã xin lùi thời gian hoàn thành vào tháng 4/2023.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông |
Dự án còn lại trong tổng số 6 dự án là tuyến Bến Thành – Tham Lương (Metro số 2). Dự án được thực hiện với mốc thời gian ban đầu là 2010 – 2018, tổng mức đầu tư dự kiến 26.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây dự án này cũng đã xin điều chỉnh thời gian thực hiện và tổng mức đầu tư. Cụ thể, thời gian thực hiện mới từ 2021 – 2026 và mới nhất điều chỉnh đến năm 2030. Tổng mức đầu tư của dự án cũng điều chỉnh lên thành 47.890,8 tỷ đồng.
Bộ GTVT mới đây cũng đã có những lý giải trong dự thảo báo cáo Quốc hội gửi Chính phủ. Phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận các dự án nói trên có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, quá trình triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khó khăn.
Ngoài ra, với những yêu cầu kỹ thuật cao, yêu cầu phức tạp và nhiều nhà thầu chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, những quy định ràng buộc với nhà tài trợ và các Hiệp định chồng chèo khiến quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc.
Vấn đề pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn giữa quốc tế và Việt Nam có sự lệch pha, điều này khiến quá trình nghiệm thu cũng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, dự án liên quan nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam nên cần phải rà soát thận trọng các bước thực hiện, quản lý dự án nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong nước và tuân thủ quy định của điều ước quốc tế và quy định các thỏa thuận vay vốn.