Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã hình thành "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh"

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 14/10/2022

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra chủ trương xây dựng thành phố thành "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" với mục đích làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố mang tên Bác.
-1723-1665479234.jpg

Đó là một chủ trương sáng tạo của Đảng bộ TP.HCM trong giai đoạn hiện nay, không chỉ đáp ứng mong muốn của người dân mà còn nhằm mục đích "thông qua xây dựng thành phố thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố”.

Với khát vọng đó, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cả về văn hóa vật thể, phi vật thể và trên không gian mạng, trên cơ sở phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, góp phần xây dựng thành phố "văn minh, hiện đại, nghĩa tình". 

Phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh gắn với Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP.HCM, xác định yêu cầu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, mà còn đảm bảo hài hòa sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. 

Để đưa Nghị quyết XI của Đảng bộ TP.HCM vào cuộc sống, từ đầu năm 2022 đến nay đã có nhiều đơn vị xây dựng mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nội dung phong phú, đa dạng nhằm bồi đắp tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân. Ví dụ tại quận Bình Thạnh, 10 phường và các cơ quan, đơn vị đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay tại trụ sở. Quận 7 đã tôn tạo Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Bình Thuận với nhiều hạng mục, bổ sung nhiều hiện vật liên quan đến Bác. Đây sẽ là nơi để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa cho học sinh.

Nhiều doanh nghiệp đã sớm hình thành không gian Hồ Chí Minh. Sớm nhất là công trình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 với các nội dung về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, đã trở thành nơi giao lưu, tu dưỡng, rèn luyện bản thân của cán bộ, đảng viên, người lao động.

Để thanh thiếu nhi đến gần hơn với Bác, Quận Đoàn quận Phú Nhuận đã xây dựng công trình "Không gian Bác Hồ” với thiếu nhi, trưng bày hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi. 

Bên cạnh các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị, nhiều cơ sở tôn giáo cũng tích cực tham gia xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Cụ thể, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Tịnh xá Trung tâm ở quận Bình Thạnh trưng bày nhiều tư liệu, sách quý về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây cũng có nhiều hình ảnh về cuộc sống đời thường, trong công việc của Bác Hồ để người dân tìm hiểu, học tập. 

Các đơn vị, địa phương ở TP.HCM đang tích cực mở chuyên mục "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ và thường xuyên đăng tải các bài viết, đoạn phim ngắn giới thiệu, chia sẻ những mô hình, cách học tập và làm theo Bác, những lời Bác dạy, các giải pháp, hiến kế việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. 

-6409-1665479234.jpg

Văn hóa nói chung, không gian văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". 

Với nền văn hóa được xây dựng trên nền tảng các giá trị về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là nơi góp phần xây dựng con người luôn suy nghĩ và hành động vì những giá trị tốt đẹp. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là nơi bồi đắp và khơi dậy "tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố. 

Để phát huy hơn nữa giá trị của không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phát triển hài hòa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững, đồng thời chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa với những đặc trưng riêng, làm nền tảng xây dựng TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. 

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Cần xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chung, thường xuyên, liên tục.

Thứ ba, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó góp phần xây dựng hình ảnh người dân thành phố năng động, sáng tạo, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.

Thứ tư, không gian văn hóa Hồ Chí Minh là sự lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do đó cần phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố nói chung, các di tích lịch sử liên quan đến thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, như di tích lịch sử văn hóa tại số 5, đường Châu Văn Liêm, quận 5  - nơi ở của Bác trước khi ra đi tìm đường cứu nước, bến cảng Nhà Rồng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích Bến Dược, huyện Củ Chi và các thiết chế văn hóa khác trên địa bàn thành phố...

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí, giới thiệu những câu chuyện về Bác có ý nghĩa giáo dục.

Thứ sáu, hoàn thành quy hoạch chung của TP.HCM, trong đó có quy hoạch xây dựng tượng đài, quảng trường, các thiết chế văn hóa, công viên văn hóa gắn với Bác, tạo ra một tổng thể các công trình kiến trúc đặc trưng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh để phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

(*) Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

PGS-TS. Ngô Thị Phương Lan (*)