Doanh nghiệp trước nỗi lo thắt chặt chính sách tiền tệ

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 14/10/2022

Trước xu hướng chính sách tiền tệ đang thắt chặt trở lại, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo, từ khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng cho đến chi phí tài chính sẽ gia tăng và bào mòn lợi nhuận.

Chi phí vay sẽ cao hơn?

Sau bao đồn đoán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 22/9/2022 đã chính thức tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1%. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5% lên 3,5% và lãi suất vay qua đêm thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng từ 5% lên 6%. Như vậy, sau hai năm giảm lãi suất về mức thấp để đối phó với đại dịch Covid-19, NHNN đã bắt đầu chu kỳ nâng lãi suất trở lại.

Đối với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và vay nợ ít, lãi suất tăng sẽ chưa phải là nỗi lo quá lớn, nhưng với những công ty đang vay nợ lớn và sử dụng đòn bẩy tài chính cao, trong khi hiệu quả kinh doanh vẫn chưa thể hồi phục sau hai năm chống chọi với đại dịch, chi phí lãi vay sẽ trở thành áp lực lớn và có thể bào mòn lợi nhuận.

Bước đi này càng cho thấy việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đã không còn. Trước khi nâng lãi suất, NHNN trong những tháng qua đã lần lượt phát hành tín phiếu để hút tiền về hàng chục nghìn tỷ đồng, song song với chính sách rút bớt tiền thông qua kênh bán ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng với cơ chế phân bổ hạn mức nhỏ giọt cho các nhà băng.

Việc NHNN cho tăng lãi suất lần này là hiện thực hóa những kỳ vọng của thị trường và để bám sát thực tiễn của nền kinh tế, khi mà từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phải liên tục tăng lãi suất huy động vốn. Vì vậy, không có gì lạ là khi tăng trần lãi suất tiền gửi của NHNN, gần như các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 1%.

Với chi phí vốn đầu vào đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua, lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh càng đến gần hơn, dù NHNN vẫn kêu gọi các nhà băng tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và khách hàng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, các nhà băng sẽ phải tìm cách san sẻ bớt gánh nặng chi phí sang cho khách hàng vay, để hạn chế ảnh hưởng lên lợi nhuận kinh doanh cũng như các chỉ số sinh lời.

Vì vậy, doanh nghiệp sẽ cần phải chuẩn bị cho tình trạng chi phí tài chính gia tăng dần trong thời gian tới. Đối với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và vay nợ ít, lãi suất tăng chưa phải là nỗi lo quá lớn, nhưng với những công ty đang vay nợ lớn và sử dụng đòn bẩy tài chính cao, trong khi hiệu quả kinh doanh chưa thể hồi phục sau hai năm chống chọi với đại dịch, chi phí lãi vay sẽ trở thành áp lực lớn và có thể bào mòn lợi nhuận.

Khó chồng khó 

Mới đây, Chính phủ đã bổ sung hơn 18.500 tỷ đồng ngân sách chi hỗ trợ lãi suất 2% vào gói 40.000 tỷ đồng hiện có, trong khi các ngân hàng cũng thể hiện quyết tâm gỡ khó và cam kết giúp doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ này, nhưng con số giải ngân được công bố quá thấp gần đây gợi lên nhiều suy nghĩ.

Điều cần lưu ý là với xu hướng lãi suất đang tăng, việc chậm trễ triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất 2% này sẽ mất dần ý nghĩa. Cụ thể, với lãi suất cho vay hiện nay giả dụ ở mức bình quân 9%/năm, khách hàng khi vay được hỗ trợ 2%, tức chỉ còn vay với lãi suất 7%, nhưng nếu để đến năm sau, khách hàng mới tiếp cận gói vay hỗ trợ này, lúc đó lãi suất cho vay đã tăng lên 11% theo xu hướng tăng lãi suất hiện nay, tức khách hàng phải vay với lãi suất 9%, bằng với mức hiện nay, theo đó hiệu quả của chương trình hỗ trợ lãi suất đã giảm và không còn nhiều ý nghĩa.

Ý kiến của giới phân tích tài chính là cần triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất cho vay có thể ổn định ở vùng thấp trong những tháng cuối năm 2022 trước khi áp lực lãi suất huy động kéo mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 60-80 điểm cơ bản (bình quân) trong năm 2023.

Đó là chưa nói đến việc ngay cả tiếp cận các khoản vay bình thường không hỗ trợ lãi suất thời gian qua, doanh nghiệp  cũng gặp rất nhiều trở ngại. Trong khi đó, các kênh tiếp cận vốn khác ngoài tín dụng ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn.

Với nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, số doanh nghiệp quay trở lại kinh doanh ngày càng nhiều, nhu cầu vốn đang lớn hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đã có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng qua, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Anh Khoa