Người dân lỗ nặng do tôm chết hàng loạt

Trong nước - Ngày đăng : 08:38, 16/10/2022

Những ngày qua, bão số 5 đã gây nên những đợt mưa lớn kéo dài ở các tỉnh miền Trung. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến các vùng nuôi trồng thủy sản. Tại phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, hàng tấn tôm hùm nuôi của 21 hộ dân đã chết. Thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng và có thể sẽ tiếp tục tăng.
Người dân lỗ nặng do tôm chết hàng loạt

Chiều 15/10, ông Nguyễn Thái Hải Anh - phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho biết thống kê đến chiều cùng ngày có khoảng 2 tấn tôm hùm nuôi đã trưởng thành của 21 hộ dân ở phường Xuân Thành bị chết. Được biết, tình trạng mưa to kéo dài trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã khiến môi trường nước bị ngọt hóa, không đảm bảo độ mặn cần thiết nên tôm bị “sốc” nước ngọt và chết.

Theo đó, phần lớn tôm hùm chết nặng khoảng 500-600g/con. Trước tình trạng tôm chết hàng loạt, người nuôi cố gắng gỡ vốn bằng cách bán tôm mới chết (hay còn gọi là tôm ngợp) cho thương lái với giá 400.000 đến 410.000đ/kg, chỉ bằng một nửa so với giá tôm hùm sống. Thế nhưng, nếu số lượng tôm chết tiếp tục tăng, thương lái cũng không thể thu mua hết được. Lúc đó, người nuôi xem như "trắng tay" vụ này.

Thị xã Sông Cầu được mệnh danh là “thủ phủ” tôm hùm ở Việt nam với hơn 82.000 ô lồng, 2.018 bè nuôi trồng thủy sản, chủ yếu nuôi tôm hùm. Đây là vùng nuôi tôm hùm chiếm 60% số lồng nuôi ở tỉnh Phú Yên với sản lượng hơn 1.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, cứ đến mùa mưa, người nuôi tôm hùm, cá mú, cá chẽm… ở nơi đây lại bị thiệt hại bởi tình trạng thủy sản nuôi bị "sốc" nước ngọt. 

Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi tôm hùm được khuyến nên ghim lồng tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5-2m để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi. Trường hợp cần thiết, người nuôi có thể sục khí tạm thời và hạn chế đưa lồng, bè nuôi lên tầng mặt, vì mưa lớn làm nước tầng mặt bị ngọt hóa.

Thời điểm này, người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm và hạn chế thả nuôi mới, đồng thời nên san thưa mật độ tôm nuôi nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra.

T.H.G