TP.HCM thay đổi tích cực nhờ áp dụng cơ chế đặc thù
Trong nước - Ngày đăng : 08:22, 22/10/2022
Nghị quyết số 54 đã cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực gồm quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. Theo đánh giá của UBND TP.HCM, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, cả 4 lĩnh vực này đều đạt được kết quả nổi bật.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, HĐND TP.HCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa, với tổng diện tích 1.843,79ha. Về quản lý đầu tư, HĐND Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, với tổng mức vốn 12.954,3 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư một dự án từ nhóm B lên nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ 1.403,8 tỷ đồng lên thành 4.849,3 tỷ đồng.
Về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, HĐND TP.HCM đã tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp lên 5-6 lần so với quy định của Chính phủ. Tính đến nay, tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là 132,6 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2018 – 2021, 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm) đã được phát hành và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài là 11.387,4 tỷ đồng. Mức dư nợ đến ngày 31/12/2021 là 24.161,6 tỷ đồng, bằng 31,9% mức dư nợ cho phép.
Về cơ chế ủy quyền, chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức Thành phố, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần; năm 2019 là 1,2 lần; năm 2020, là 1,8 lần.
Trong các năm 2019, 2020 và 2021, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trước diễn biến tình hình dịch Covid-19, HĐND TP.HCM có điều chỉnh tăng giảm hệ số chi thu nhập tăng thêm. Năm 2018, tổng kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của Thành phố là 2.816 tỷ đồng, năm 2019 là 7.637 tỷ đồng, năm 2020 là 4.265 tỷ đồng và năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.
Tuy vậy, một số nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 vẫn chưa được TP.HCM triển khai hiệu quả như như cơ chế thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt... Đáng chú ý, theo quy định đến hết năm 2020, Thành phố phải thực hiện cổ phần hóa đối với 38 doanh nghiệp nhưng đến nay Thành phố đã phải tạm dừng triển khai nội dung này.