Việt Nam cần "chuyển đổi nhanh" nguồn nhân lực chất lượng cao
Thời sự - Ngày đăng : 03:34, 24/10/2022
Do đó, tại phiên họp tổ cho ý kiến về kinh tế - xã hội năm 2022, nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành và ứng dụng công nghệ số.
Theo ông Đinh Ngọc Quý - đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của Việt Nam là trên 60%, còn lao động được đào tạo có bằng cấp chỉ đạt 27%. Trong số lao động có bằng cấp thì một nửa là trình độ đại học, còn lại là trung cấp, sơ cấp, cao đẳng. Như vậy, Việt Nam đang gặp hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực cả khu vực công và khu vực tư.
Quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đoàn Thái Nguyên nhận định xu hướng thi vào các ngành công nghiệp nặng, chế tạo máy, luyện kim, điện tử viễn thông là không nhiều. Điểm thi đầu vào của những ngành này thường thấp, ít cạnh tranh so với những ngành kinh tế. Muốn làm chủ công nghệ thì Việt Nam phải có nguồn lực để đào tạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các ngành khoa học cơ bản, do đó, cần phải có những chính sách căn cơ đối với ngành giáo dục trong việc đào tạo lực lượng này.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì Việt Nam cần chú trọng thêm yếu tố chuyển đổi nhanh về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi số, nhưng lại thiếu đi yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực chất lượng cao |
Ông Dung khẳng định, nhờ có băng thông rộng và hệ thống hạ tầng tốt, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, nước ta đang thiếu lực lượng lực lượng lao động am hiểu công nghệ. Do đó, muốn chuyển đổi số nhanh thì phải đào tạo nguồn nhân lực này. Theo đó, bên cạnh giáo dục đại trà, phải đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao, trong đó nòng cốt là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Nhấn mạnh giáo dục chất lượng cao phải có quá trình bền vững, ông Dung dẫn chứng, vừa qua lần đầu tiên Việt Nam đạt 2 giải bạc tại cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới 2022. Kết quả này bắt nguồn từ sự hỗ trợ của Đức trong giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Ngoài ra, nhờ vào chương trình hỗ trợ đào tạo của Đức và Úc mà trong ba năm vừa qua Việt Nam đã đảm nhận được nhiều ngành nghề, lĩnh vực khó.