Vì sao Nga cáo buộc Ukraine có thể sử dụng "bom bẩn"?

Quốc tế - Ngày đăng : 05:00, 24/10/2022

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói Moskva đang rất quan ngại về việc Ukraine có thể sử dụng "bom bẩn" - vũ khí sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân dưới dạng bột hoặc viên.

Trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu, ông Shoigu nói Moskva đang rất quan ngại về việc Ukraine có thể sử dụng "bom bẩn". Ngoài ông Lecornu, ông Shoigu còn điện đàm với nhiều người đồng cấp khác thuộc NATO và đưa ra cảnh báo khiến cả châu Âu lo ngại về nguy cơ chiến sự Nga - Ukraine vượt tầm kiểm soát.

Theo đó, ông Shoigu liên tục cáo buộc Ukraine có "khả năng khiêu khích bằng cách sử dụng một quả 'bom bẩn'", kịch bản sẽ khiến tình hình chiến trường "xấu đi nhanh chóng". Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Nga không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy Ukraine sử dụng vũ khí này.

Vì sao Nga cáo buộc Ukraine có thể sử dụng "bom bẩn"?

Bộ trưởng Sergei Shoigu trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga tháng 12/2021. Ảnh: RIA Novosti.

"Bom bẩn" là thuật ngữ chỉ vũ khí sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân dưới dạng bột hoặc viên, có khả năng phát tán chất phóng xạ trên một khu vực lớn. Bom bẩn không có sức hủy diệt lớn như vũ khí hạt nhân, song rất dễ chế tạo, nhất là với quốc gia sở hữu vật liệu hạt nhân. Theo giới chuyên gia, thế giới hiện có khoảng 70.000 thiết bị chứa nguyên liệu phóng xạ, phân bố tại 13.000 tòa nhà, nằm rải rác khắp nơi.

Và, cuộc điện đàm giữa ông Shoigu với những đồng cấp vừa qua là lần đầu tiên Nga cáo buộc Ukraine có kế hoạch sử dụng vũ khí này, dù không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào. Ngược lại, phía Ukraine đã nhanh chóng phản ứng, gọi cáo buộc từ Nga là "vô lý" và "nguy hiểm".

Kêu gọi quốc tế có hành động thống nhất trước cáo buộc từ Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: "Nếu Nga gọi điện và nói rằng Ukraine được cho là đang chuẩn bị một cái gì đó, thì điều này có nghĩa là Nga đã chuẩn bị tất cả những thứ đó. Tôi tin rằng đã đến lúc thế giới nên phản ứng quyết liệt nhất có thể".

Link bài viết

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bác tuyên bố từ Moskva, gọi đây là cáo buộc "vô lý" và "nguy hiểm". "Người Nga thường buộc tội người khác về những gì họ tự lên kế hoạch", ông nói thêm.

Vì sao Nga cáo buộc Ukraine?

Cáo buộc Ukraine định dùng "bom bẩn" trên chiến trường, Nga dường như muốn thuyết phục người dân trong nước tin rằng Kiev thực sự là mối đe dọa. 

Giải thích cho tuyên bố của ông Shoigu, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti viết: "Mục đích của hành động khiêu khích này là nhằm tố ngược Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong các chiến dịch ở Ukraine, từ đó kích động một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhằm làm suy giảm lòng tin đối với Moskva".

"Nếu kế hoạch được thực hiện thành công, hầu hết các nước trên thế giới sẽ phản ứng cực kỳ quyết liệt trước 'sự cố hạt nhân' ở Ukraine. Kết quả là Moskva sẽ mất đi ủng hộ của nhiều đối tác quan trọng", bài viết có đoạn.

Trên thực tế, Moskva từng nhiều lần tuyên bố lực lượng của Kiev có ý định sử dụng vũ khí hóa học hoặc phóng xạ nhưng không đưa ra bằng chứng. Và, phía Kiev liên tục bác bỏ các cáo buộc từ Moskva. Tuy nhiên, dù có hay không khả năng xảy ra một vụ tấn công bằng "bom bẩn", những lời cáo buộc giữa đôi bên đều ẩn chứa nguy cơ thực sự. 

Nga từng đưa ra cáo buộc rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí sinh học trên chiến trường, làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng Moskva sẽ thực hiện một cuộc tấn công như vậy và đổ lỗi cho Kiev. Hiện, chưa có cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học nào được ghi nhận trên chiến trường Ukraine.

Lính Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ ở Donetsk.

Lính Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ ở Donetsk.

Theo Christopher Fettweis - Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tulane (Mỹ), "bom bẩn" chưa bao giờ được sử dụng trong một cuộc xung đột và ông không tin người Ukraine sẽ dùng nó trên chính lãnh thổ của họ. Việc kích hoạt một quả bom bẩn có thể gây ra tâm lý hoảng sợ trong dư luận, nhưng không tạo tác động lớn có thể thay đổi cục diện chiến sự.

Những lời đe dọa như vậy "mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tế", Fettweis cho biết, thêm rằng Nga đưa ra cáo buộc này chủ yếu như một cách để hướng sự chú ý của dư luận trong nước về mối nguy hiểm đến từ Ukraine.

Theo ông, sau những bước lùi trên chiến trường và lệnh động viên quân một phần tồn tại nhiều hạn chế, công chúng Nga có thể giảm lòng tin vào chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bởi vậy, Điện Kremlin dường như muốn đưa ra cáo buộc "bom bẩn" như vậy để thúc đẩy sự ủng hộ trong nước.

"Thông điệp của Nga dường như nhằm nhắc nhở dư luận nước này rằng họ đang thực sự chống lại một đối thủ liều lĩnh, hung ác, được hậu thuẫn bởi NATO và phải bị ngăn chặn", Fettweis nói.

Bảo Quân